Tạo thói quen phân loại rác tại nguồn

09:08 - Thứ Tư, 27/11/2024 Lượt xem: 2128 In bài viết

ĐBP - Phân loại rác thải tại nguồn là một trong những hành động bước đầu, cơ bản nhất, đơn giản nhất để bảo vệ môi trường. Với sự phát triển mạnh mẽ của đời sống kinh tế, xã hội, rác thải được sinh ra nhiều hơn vì vậy việc phân loại và tái chế rác càng trở nên cấp thiết.

Phân loại rác tại nhà

Từ nhiều năm qua, gia đình chị Nguyễn Thị Hiên, tổ dân phố 7, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) đã tự phân loại rác thải vô cơ, hữu cơ, rác tái chế... trong sinh hoạt gia đình trước khi đem ra nơi thu gom tập trung.

Chị Hiên chia sẻ: “Việc phân loại rác thải ngay vừa tận dụng được những rác thải tái chế được vừa bảo vệ môi trường.”

Hội viên Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 2, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) thu gom rác tái chế tạo quỹ ủng hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường.

Phát huy vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) thành lập mô hình thu gom rác thải nhựa được 100% hội viên, phụ nữ tích cực hưởng ứng. Mô hình được triển khai tại 10 chi hội trực thuộc. Hội viên thực hiện phân loại rác thải tại nhà, chấp hành tốt việc đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; tham gia tổng vệ sinh môi trường làm sạch đường phố; thu gom rác thải nhựa để tạo quỹ hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2024 Hội Nông dân tỉnh triển khai mô hình thí điểm thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình. 6 mô hình đã được triển khai với 360 gia đình hội viên tham gia tại 6 xã: Noong Hẹt, Pom Lót, Noong Luống, Thanh Yên, Thanh Luông, Thanh Nưa (huyện Điện Biên). Mô hình thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân kiểm tra và dân hưởng lợi” nhằm đạt hiệu quả và tính bền vững cao.

Bà Lò Thị Hoa, bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) phân loại rác thải trước khi mang đi xử lý.

Mô hình hỗ trợ 60 thùng ủ phân hữu cơ loại 160 lít có nắp đậy, vòi xả nước, cửa lấy rác; hỗ trợ 120 thùng rác nhựa loại 30 lít/thùng để phân loại rác và 120kg chế phẩm sinh học ủ phân hữu cơ.

Từ khi tham gia mô hình, gia đình bà Lò Thị Hoa, bản Mển, xã Thanh Nưa được hướng dẫn cách phân loại rác và tận dụng rác thải hữu cơ ủ thành phân bón tạo thêm nguồn dinh dưỡng bổ sung cho cây trồng. Tuy nhiên, lợi ích lớn nhất từ mô hình mang lại là khắc phục được tình trạng rác thải vứt bừa bãi, hạn chế được lượng rác thải phải thu gom. Từ đó tạo môi trường sống trong lành, đảm bảo sức khỏe cho chính gia đình bà và cộng đồng xung quanh.

Bà Lò Thị Hoa chia sẻ: “Cách làm này giúp môi trường xanh, sạch và tạo ra được nguồn phân bón giàu dinh dưỡng cho cây trồng. Nhiều tháng nay, vườn rau của gia đình tôi đã không dùng đến phân hóa học, nhưng lúc nào cũng xanh tốt”.

Tận dụng rác thải hữu cơ ủ thành phân bón giúp gia đình bà Hoa có thêm nguồn dinh dưỡng bổ sung cho vườn rau.

Mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình đã có sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Đến nay nhiều hộ dân ở các xã không tham gia mô hình cũng chủ động phân loại, xử lý có hiệu quả các loại rác thải sinh hoạt. Mô hình giảm dần sử dụng vật dụng bằng nhựa trong sinh hoạt, chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Từ đó góp phần thực hiện thành công tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Trước đây, để xử lý rác thải hàng ngày, Trường THCS-THPT Quyết Tiến (huyện Tủa Chùa) phải đào hố chứa rác, nhưng khi trời mưa lớn, nước ngập lại cuốn rác tràn ra ngoài hố. Đó là chưa kể một số loại rác thải khó phân hủy, gây mất mỹ quan; còn khi đốt rác ở hố rác thì khói tỏa ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm không khí.

Từ năm 2020, nhà trường được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện hỗ trợ xây dựng 3 lò đốt rác, lượng rác thải được xử lý ngay trong ngày.

Trường THCS-THPT Quyết Tiến đang duy trì 3 lò đốt rác, lượng rác thải được xử lý ngay trong ngày.

Thầy giáo Trần Đình Văn, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Quyết Tiến cho biết: “Rác được đốt bằng lò đốt rác đã giảm lượng khói ra khu dân cư. Rác sau khi thu gom không lo bị ướt hoặc khó xử lí. Thời gian tới, nhà trường dự kiến sẽ đầu tư xây dựng thêm 2 - 3 lò đốt rác ở một số vị trí quanh khu vực nội trú.”

Mô hình đạo cụ phục vụ công tác giảng dạy, học tập được các cơ sở giáo dục tái sử dụng từ rác thải tái chế giúp học sinh thấy được lợi ích của việc phân loại rác thải.

Việc phân loại rác thải tại nguồn trong các nhà trường được chủ động triển khai từ sớm, sẽ không chỉ để bảo vệ môi trường, mà mục đích lớn hơn là nâng cao nhận thức về môi trường cho trẻ - thế hệ tương lai của đất nước.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất ngày 31/12/2024, bắt buộc hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, do đặc thù miền núi việc phân loại rác bắt buộc theo quy định của Luật còn nhiều khó khăn và cần phải có thời gian, lộ trình. Trước mắt, Sở tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật tạo thói quen phân loại rác trong Nhân dân. Chú trọng nhân rộng các mô hình phân loại, xử lý rác hiệu quả; vận động người dân (nhất là ở khu vực nông thôn) tích cực tận dụng rác hữu cơ dễ phân hủy để xử lý làm phân bón cho cây trồng.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top