Đổi thay bên dòng Nậm Mức

08:56 - Chủ Nhật, 01/12/2024 Lượt xem: 1110 In bài viết

ĐBP - Xuôi dòng Nậm Mức, thời điểm này hoa dã quỳ đã nhuộm vàng những vạt đồi, duyên dáng in bóng xuống mặt nước tạo nên cảnh sắc thơ mộng, bình yên. Dù không tấp nập trên bến dưới thuyền như những khu vực khác song cuộc sống của người dân ở xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà đã có nhiều đổi thay. Từ trong gian khó, cùng sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước, người dân nơi đây chăm chỉ, cần cù lao động, tận dụng lợi thế mặt nước xây dựng cuộc sống ấm no, đủ đầy.  

Bản làng Nậm Nèn nhìn từ trên cao.

Gia đình ông Màng Văn Niêm, bản Nậm Nèn 2, xã Nậm Nèn gắn bó với vùng đất này qua nhiều thế hệ, kiên trì bám trụ đồi nương và dòng sông Nậm Mức. Sinh ra và lớn lên tại đây, ông Niêm đã chứng kiến biết bao sự thay đổi của mảnh đất quê hương.

Ông Niêm chia sẻ: “Ngày trước, dòng Nậm Mức chảy qua Nậm Nèn chỉ là một dòng nước nhỏ, lòng sông lổn nhổn đá. Nhưng từ khi Nhà máy Thủy điện Trung Thu, nằm trên địa phận xã Pa Ham (huyện Mường Chà) đi vào hoạt động, nước sông dâng cao. Giờ đây, khúc sông uốn lượn qua Nậm Nèn với mặt hồ rộng lớn, yên ả, tạo cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp”.

Người dân nơi đây cũng dần thay đổi cách nghĩ, cách làm. Họ không chỉ chăm chỉ, cần cù làm nương mà còn biết tận dụng tài nguyên mặt nước để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Bên bờ Nậm Mức, căn nhà của gia đình ông Màng Văn Niêm trở thành địa chỉ dừng chân của nhiều khách đi đường.

Bên bờ Nậm Mức, đã nhiều năm nay, căn nhà nhỏ của gia đình ông Màng Văn Niêm trở thành địa chỉ quen thuộc không chỉ với người dân các xã: Nậm Nèn, Hừa Ngài, Huổi Mí của huyện Mường Chà mà còn cả với người dân 2 huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo. Từ một sạp hàng tạp hóa nhỏ, gia đình ông đã mở rộng, trở thành cửa hàng cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho người dân.

Ông Niêm còn mở thêm dịch vụ ẩm thực và trải nghiệm trên sông. Mỗi lần ghé qua Nậm Nèn, du khách không chỉ được thưởng thức những món ăn dân dã mà còn chìm đắm trong không gian bình yên của mặt nước bao la. Nhờ sự cần cù và nhạy bén trong kinh doanh, gia đình ông Niêm đã trở thành một trong những hộ có kinh tế phát triển ở Nậm Nèn.

Tương tự ông Niêm, gia đình ông Lò Văn Quán, bản Nậm Nèn 2 cũng mạnh dạn đầu tư 30 triệu đồng mua thuyền vận chuyển nông sản và đánh bắt cá trên sông. Trước đây khi lòng hồ chưa tích nước, vì không có đường nên người dân canh tác trên nương rất vất vả. Trồng được củ sắn, bắp ngô đã khó song việc vận chuyển để tiêu thụ càng khó hơn. Bà con phải chia nhỏ nông sản rồi gùi về. Từ ngày nước dâng thành hồ rộng, ngô, sắn, dong riềng sau khi thu hoạch được vận chuyển bằng thuyền. Lòng sông còn là nơi người dân khai thác, đánh bắt cá, tôm cho bữa ăn hàng ngày và mang bán, nâng cao thu nhập.

Nhiều người dân Nậm Nèn đầu tư mua thuyền vận chuyển nông sản và đánh bắt cá trên sông.

Ông Lò Văn Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Nậm Nèn kể lại thời điểm khi xã mới ra “ở riêng” vào năm 2013, trên cơ sở chia tách từ xã Pa Ham. Khi ấy, đời sống người dân rất khó khăn, giao thông cách trở, không điện lưới quốc gia, không nước sạch, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 90%. Bằng sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua chương trình, dự án giảm nghèo cùng sự nỗ lực của chính quyền và người dân, đến nay Nậm Nèn giảm còn 298 hộ nghèo (chiếm 44%), 113 hộ cận nghèo (chiếm 17%).

Phát huy tiềm năng đất đai, Nậm Nèn duy trì phát triển 144ha cây dong riềng, hơn 130ha cây sắn, 262ha ngô, 200ha lúa. Cùng với phát triển đàn gia súc, gia cầm, xã nuôi thả 4ha thủy sản. Hiện nay, Nậm Nèn đã và đang triển khai nhiều dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu, mô hình kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Sửa chữa đường bê tông nội bản Cứu Táng; trồng ngô lai F1 NK7328 với diện tích 86,6ha tại các bản Nậm Nèn 1, Nậm Nèn 2, Háng Trở, Phiêng Đất B; trồng lúa vụ hè thu giống thuần ADI 168XN1 với diện tích 106ha tại 8/8 bản; xây dựng công trình nước sinh hoạt phân tán với 147 hộ tại 7/8 bản được thụ hưởng…

Một góc trung tâm xã Nậm Nèn.

Với sự đồng lòng, quyết tâm vươn lên của cấp ủy, chính quyền và người dân, tin rằng nơi dòng Nậm Mức chảy qua, Nậm Nèn vẫn là địa bàn xa xôi nhưng không còn cách trở và nghèo khó nữa!

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top