Phát triển dược liệu trở thành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh miền núi phía bắc

16:32 - Thứ Hai, 12/12/2022 Lượt xem: 5319 In bài viết

Mô hình bền vững để dược liệu trở thành kinh tế mũi nhọn của các địa phương chính là cần phải có sự kết hợp của 3 nhà gồm nhà nông-chính quyền-doanh nghiệp, vừa giúp người dân bảo đảm đầu ra nguyên liệu, vừa giúp doanh nghiệp tự chủ nguồn nguyên liệu đạt chuẩn với quy trình trồng trọt được quản lý nghiêm ngặt.

Người dân Bắc Hà, Lào Cai trồng cây Cát cánh.

Vùng Tây Bắc đang được định hướng thành vùng trồng dược liệu có quy mô lớn. Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai là những nơi có nhiều loài dược liệu quý hiếm.

Hiện nay, có khoảng 50 loài cây dược liệu trồng với diện tích lớn (hơn 10ha) thì riêng Tây Bắc đã có tới 36 loài như: đương quy, cát cánh, sa nhân tím, thảo quả, atiso, ý dĩ, hồi, quế, đinh lăng, ba kích.

Tuy nhiên, việc phát triển vùng trồng vẫn còn một số hạn chế, chưa khai thác được hết tiềm năng lợi thế của các địa phương. Ở Sơn La, nguồn cung cấp dược liệu chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu sản xuất, bào chế thuốc. Còn ở Điện Biên, mỗi năm chỉ thu được hơn 15 tỷ đồng từ các loại cây dược liệu.

Trong khi đó, việc thu hái, khai thác không đi đôi với bảo tồn, phát triển dược liệu khiến các loài dược liệu tự nhiên cạn kiệt và đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Việc trồng, chế biến dược liệu với quy mô nhỏ lẻ, tự phát, phụ thuộc vào nguồn dược liệu cung cấp từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, các địa phương hiện còn thiếu vắng sự đầu tư của các doanh nghiệp dược theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ dược liệu khiến hiệu quả kinh tế chưa cao.

Để ngành dược liệu trở thành ngành mũi nhọn của các tỉnh miền núi phía bắc, mỗi địa phương đưa ra chiến lược riêng của mình. Theo các chuyên gia, những vùng này cần Trung tâm nghiên cứu Dược liệu, xây dựng thị trường, hướng dẫn cho bà con nông dân quy trình canh tác theo đúng tiêu chuẩn của thế giới.

Các địa phương cần xây dựng các cơ sở hạ tầng, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dược liệu liên kết với các Hợp tác xã trong việc trồng, sản xuất, phát triển dược liệu.

Với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng khí hậu, Tây Bắc là vùng có lợi thế phù hợp phát triển các vùng trồng dược liệu. Hiện có khoảng 1.500 cây dược liệu quý.Tây Bắc đã hình thành những vùng trồng dược liệu quy mô lớn, mang lại cuộc sống đổi thay cho bà con nông dân.

Tại Bắc Hà Lào Cai, vùng trồng dược liệu cây cát cánh có diện tích lên tới gần 100ha. Cây cát cánh mang lại thu nhập gấp nhiều lần so với cây ngô trước đây. Vì vậy, bà con đã hưởng ứng trồng loại cây này.

Vùng trồng dược liệu Cát cánh mang lại thu nhập cao cho người dân tại Bắc Hà, Lào Cai.

Chị Sùng Thị Sa (xã Tản Van Chư, Bắc Hà, Lào Cai) cho hay, trước đây, trồng ngô chỉ được 20-30 triệu/ năm. Từ khi chuyển sang trồng cây dược liệu cát cánh, mỗi hộ thu được 150 triệu/năm hoặc 200 triệu/năm. Có nhà mua được xe mới, có nhà mua xây nhà mới.

Cây Cát cánh từ chỗ phải nhập khẩu thì nay đã được trồng trong nước với chất lượng quốc tế quy định - quy chuẩn GACP-WHO.

Bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà cho biết, từ năm 2020, không được nhà nước hỗ trợ về giống hay vật tư phân bón nhưng người dân vẫn triển khai thực hiện vùng trồng bởi có các doanh nghiệp dược đã đứng ra thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Sự kết hợp chặt chẽ của "3 nhà" (nhà nông-chính quyền-doanh nghiệp) giúp bảo đảm số lượng cũng như chất lượng dược liệu, tránh tình trạng người dân thấy cây cát cánh đem lại giá trị cao, trồng ồ ạt gây mất kiểm soát chất lượng dược liệu cũng như ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, mang tới nguồn dược liệu chuẩn hóa cho doanh nghiệp.

Với kinh nghiệm triển khai thành công nhiều vùng dược liệu, trồng các cây dược liệu sạch đạt tiêu chuẩn GACP-WHO, ông Hoàng Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Dược cho hay, việc tự chủ nguồn nguyên liệu là tầm nhìn chiến lược của nhiều doanh nghiệp, trong đó có Nam Dược.

Khi xây dựng các vùng dược liệu, các kỹ thuật viên chú trọng quản lý được chất lượng, hàm lượng dược chất trong cây dược liệu, cùng với đó là quy trình trồng trọt theo quy chuẩn GACP-WHO, đem lại nguồn nguyên liệu sạch, uy tín, chất lượng.

PGS, TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết, khí hậu và thổ nhưỡng là 2 đặc trưng để quyết định chất lượng dược liệu. Nhưng dược liệu chỉ là nguyên liệu để sản xuất thuốc chứ không phải cứ trồng thì đó đã là bài thuốc.

Do đó, để dược liệu trở thành các bài thuốc, cần phải có sự liên kết của nhiều bên để sản phẩm đầu cuối đem lại giá trị thật sự cho người dân, cho doanh nghiệp và cho người trồng dược liệu.

Với cách làm kết hợp giữa 3 nhà: Nhà nông-chính quyền-doanh nghiệp là mô hình bền vững, vừa giúp người dân bảo đảm đầu ra nguyên liệu, vừa giúp doanh nghiệp tự chủ nguồn nguyên liệu đạt chuẩn với quy trình trồng trọt được quản lý nghiêm ngặt.

Với cách làm liên kết 3 nhà này, các vùng trồng dược liệu sạch đạt chuẩn quốc tế đang phát triển tại Lai Châu, Sơn La, Điện Biên như trồng đương quy cho thu nhập khoảng 90 triệu/ha/năm. Trồng atiso cho mức thu tới 80 triệu/ha/năm.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top