Trưởng thành qua thử thách

07:12 - Chủ Nhật, 01/01/2023 Lượt xem: 8334 In bài viết

ĐBP - Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát (năm 2020), trên cả nước, từ thị thành cho đến miền núi, biên giới xa xôi, nơi nào có dịch Covid-19, nơi đó có dấu chân của các y bác sĩ. 2 năm trời đằng đẵng, họ vẫn ngày đêm âm thầm thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Sự hi sinh của các “chiến sĩ” áo trắng trên tuyến đầu chống dịch không bút mực nào tả xiết. Nhưng có một điều chắc chắn, trải qua bao gian nan thử thách những “chiến sĩ” áo trắng ấy càng bản lĩnh và trưởng thành hơn về mọi mặt..

Các y bác sĩ không quản nguy hiểm đương đầu với đại dịch truy vết bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Chiều cuối năm, tiết trời se se lạnh, những bước chân vội vã, hối hả sải dài trên đường, người, xe tấp nập dường như mỗi người đều có một công việc bận bịu riêng. Vì hẹn trước nên chúng tôi có dịp gặp gỡ trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Hải Phong, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 1 trong 4 trưởng đoàn, dẫn đoàn công tác hỗ trợ miền Nam dập dịch Covid-19. Rót chén trà nóng mời khách, bác sĩ Phong chia sẻ: Gần 2 tháng dẫn đoàn đi hỗ trợ dập dịch tại Bệnh viện dã chiến số 2, quận 12, TP. Hồ Chí Minh có lẽ là những tháng ngày gian khó nhất cuộc đời làm nghề y của tôi và các đồng nghiệp. Trung bình 1 ngày, 1 kíp trực gồm 6 người chăm sóc đều trị cho 400 bệnh nhân Covid-19, ngày đông lên tới 600 bệnh nhân. Đa phần bệnh nhân nhập viện đều là bệnh nhân nặng. Dẫu vất vả hiểm nguy nhưng mọi người đã quên đi những lo sợ, tình cảm cá nhân, tất cả đoàn kết đồng lòng, chung một chí hướng duy nhất đó là giữ an toàn, cố gắng cứu khỏi thật nhiều bệnh nhân bị nhiễm Covid-19. Trải qua gian nan thử thách, các y bác sĩ đã bản lĩnh, can trường hơn. Đây cũng chính là những kinh nghiệm quý giá được áp dụng vào công tác cứu chữa những bệnh nhân Covid-19 nặng trên địa bàn tỉnh ngay sau đó. Kinh nghiệm tổ chức thu dung quản lý, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng; ứng dụng công nghệ thông tin, điện thoại thông minh trong trao đổi thông tin, quản lý bệnh nhân; các kỹ thuật chăm sóc toàn diện bệnh nhân suy hô hấp, suy tuần hoàn và bệnh nhân thở máy...

Trong thời kỳ đỉnh dịch, ngành Y tế tỉnh đã thành lập 4 đoàn cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên y tế tham gia hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương dập dịch với tổng cộng 101 người. Các đoàn đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về địa phương và 100% thành viên trong đoàn an toàn trong quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19. Qua chuyến công tác, các cán bộ y tế đã được tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật giúp nâng cao trình độ, xử trí các tình huống phát sinh đặc biệt ở các bệnh nhân nặng, nên khi về đơn vị có thể triển khai thực hiện ngay khi có bệnh nhân.

Đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Với sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng, đoàn kết của tập thể lãnh đạo và cán bộ, viên chức ngành Y đã thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa triển khai tốt công tác khám, chữa bệnh vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại thời điểm dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh, cán bộ y tế đã phải gồng mình, ngày đêm làm việc, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch bệnh.

Với đội ngũ y bác sĩ đã trải qua “kinh nghiệm chiến trường” trong dập dịch Covid-19 tại miền Nam, nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật mới nhanh chóng được triển khai áp dụng vào thực tế dập dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại tỉnh. Xây dựng, vận hành hiệu quả Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ. Đặc biệt, thành lập các trạm y tế lưu động ngay tại ổ dịch (bản Gia Phú, xã Na Tông và xã Na Ư huyện Điện Biên) giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại bản, xã. Áp dụng hiệu quả phân tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, do đó đã giảm được số người tử vong. Trung tâm y tế các huyện, thị xã thu dung điều trị những bệnh nhân nhẹ, bệnh nhân không triệu chứng; nhằm giảm tải cho bệnh viện dã chiến thành phố. Áp dụng nhiều biện pháp cách ly lần đầu tiên được triển khai trong phòng, chống dịch tại tỉnh như: Cách ly F1 tại nhà; triển khai giao quản lý cách ly cho chính quyền địa phương; đặc biệt, tổ chức triển khai thí điểm cách ly F1, điều trị F0 tại nhà đối với các trường hợp không triệu chứng (bảo đảm các điều kiện cần thiết trong quá trình thực hiện cách ly)... Nhờ đó, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được khống chế. Kết quả tính đến ngày 11/12/2022 lũy kế số bệnh nhân điều trị khỏi bệnh 90.257/90.329 bệnh nhân mắc, đang điều trị 48; bệnh nhân tử vong 24.

Ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Có thể khẳng định trải qua gian nan thử thách, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh càng trưởng thành; đã khắc phục mọi khó khăn, thích nghi nhanh chóng với tình hình dịch bệnh. Cụ thể, ngành Y tế tỉnh đã trải qua các giai đoạn chống dịch, từ giai đoạn đầu với nhiệm vụ tuyên truyền, điều tra dịch tễ; các giai đoạn tiếp theo là tuyên truyền, điều tra, xử lý ổ dịch, tổ chức xét nghiệm nhanh, tiêm chủng, sau này là cả điều trị F0 tại cộng đồng... Dù ở mức độ nào, cán bộ y tế đều đã đáp ứng rất nhanh, rất kịp thời. Những nỗ lực trên đã góp phần vào thành quả chống dịch của tỉnh, với các mục tiêu kiểm soát dịch nhanh chóng.

Sau 2 năm phòng, chống dịch, hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở đã có những bước trưởng thành không chỉ trong năng lực cách ly, truy vết, xét nghiệm, điều trị mà còn cả về mặt ý thức, tư duy và kinh nghiệm. Qua phòng, chống dịch đã giúp mỗi đơn vị, mỗi cán bộ y tế luôn có tâm thế chủ động để ứng phó với các tình huống.

Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top