Ðón xuân ở “xóm chạy thận”

07:28 - Thứ Sáu, 20/01/2023 Lượt xem: 9125 In bài viết

ĐBP - Những ngày cuối năm, không khí mùa xuân ùa về từng thôn bản, phố phường và đến với mọi nhà, mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc về một cái tết đoàn viên. Tuy nhiên, tiết trời lạnh giá càng khiến “xóm chạy thận” thêm đìu hiu và cô quạnh. Với những bệnh nhân nghèo không may mắn mắc bệnh suy thận và phải chạy thận nhân tạo ở đây thì họ không còn nhớ hương vị, không khí của ngày tết. Và ở giữa thành phố náo nhiệt, “xóm chạy thận” nhỏ tại tổ dân phố 10, phường Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ) vẫn còn 7 bệnh nhân ngày ngày nương tựa nhau vượt qua bệnh trọng.

Bà Lò Thị Dỉnh (thứ 2 bên phải sang) tâm sự cùng các bệnh nhân trong xóm chạy thận”.

Chuẩn bị bước sang tuổi 50 nhưng có lẽ cái tết này đã là lần thứ 10, ông Lò Văn Tâm, xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông đón xuân ở xóm trọ này. Bất kể ngày thường hay ngày tết, hàng tuần, cứ vào thứ 3, 5, 7, ông Tâm lại vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh chạy thận, vậy nên khi nhắc đến tết thì ông chỉ biết thở dài.  Ông Tâm chia sẻ: “Mọi người ở đây không có ngày tết đâu, vì cứ cách một ngày lại đi chạy thận một lần, không thể về nhà đón tết cùng gia đình được. Ở đây, ai may mắn nhà gần thì cũng chỉ về nhà vui tết 1 ngày rồi lại phải đến điều trị. Tết nhất người ta về đoàn tụ với gia đình, còn chúng tôi ở đây chỉ biết động viên, an ủi nhau điều trị cho tốt thôi”.

Thấy chồng than thở, ngồi bên cạnh, bà Vì Thị Hương cũng tiếp lời: “Vì hoàn cảnh bệnh tật nên phải như vậy, song chúng tôi vẫn cố gắng điều trị bệnh cho tốt. Ở đây, có một mình cũng buồn nên mùa xuân này, tôi cũng như người thân của mọi bệnh nhân ở đây đều cố gắng thu xếp việc nhà rồi đến đây cùng nhau đón xuân. Nhà nào có bánh chưng, kẹo mứt thì cùng nhau sẻ chia, tết không có mâm cao cỗ đầy thì mình ăn ít thôi, miễn sao vui vẻ bên nhau là được!”.

Cố ngăn những giọt nước mắt lăn xuống khuôn mặt người phụ nữ khắc khổ vì chồng, vì con, bà Hương tâm sự tiếp: “Như dịp tết năm ngoái, mọi người ở xóm cũng được một số nhà hảo tâm cho mì tôm, bánh kẹo, cùng với cái tình nghĩa của những bệnh nhân cùng cảnh ngộ trong xóm an ủi nhau nên cũng đỡ cô quạnh. Vì ai cũng có hoàn cảnh khó khăn, cũng bệnh tật như nhau nên chỉ có thể động viên nhau về mặt tinh thần thôi, như vậy là quý lắm rồi!”.

Để duy trì sự sống, kể cả trong những ngày Tết Nguyên đán, các bệnh nhân vẫn phải bám lấy xóm trọ, vẫn cách ngày đều đặn chạy thận. Vậy nên, giấc mơ sum vầy bên gia đình tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại là điều không thể đối với những bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Trong căn phòng trọ nhỏ nơi “xóm chạy thận” ở bản Noong Bua, phường Noong Bua, bà Quàng Thị Oan, bản Na Lanh, xã Na Son (huyện Điện Biên Đông) đã chạy thận 11 năm nay nhưng vẫn tự chăm sóc bản thân, tiếp tục chiến đấu với bệnh hiểm nghèo. Dưới ánh sáng của ngọn đèn leo lét, bà Oan gấp lại chiếc chăn mỏng rồi ngậm ngùi nói: “Người ta thì nhà nhà đón tết, còn tôi cứ ở đây mà trị bệnh thôi. Cũng buồn, cũng tủi nhưng phải cố mà vượt qua. Ban ngày, có mọi người trò chuyện cũng đỡ buồn, nhưng đêm đến lại suy nghĩ linh tinh. Thôi thì được sự quan tâm của gia đình, động viên của mọi người trong xóm nên ngày tết cũng nguôi ngoai phần nào, đó cũng là động lực cho tôi tiếp tục cố gắng vươn lên để được sống”.

Giữa phố thị ồn ào, nhộn nhịp, ngoài ông Tâm, bà Oan, nhiều bệnh nhân chạy thận vẫn ngày ngày gắn bó với xóm trọ nghèo. Không thể về quê để cùng gia đình đón một cái tết đoàn viên như bao người khác, những mảnh đời bất hạnh này vẫn tự động viên, quan tâm nhau cùng nỗ lực vươn lên nghịch cảnh. Mặc dù mỗi người có một hoàn cảnh gia đình, điều kiện riêng nhưng hầu hết họ đều khó khăn và cùng mang bệnh trọng. Tình yêu thương, đùm bọc và sẻ chia của mỗi tổ chức, cá nhân trong cộng đồng dù ít hay nhiều đều đáng quý với họ. Bởi vậy, với mong muốn lan tỏa yêu thương, mang mùa xuân ấm áp đến với những hoàn cảnh khó khăn trong xóm, mấy năm nay, năm nào bà Lò Thị Dỉnh, chủ nhà trọ “xóm chạy thận” ở bản Noong Bua đều dựa trên các mối quan hệ của mình để kết nối với một số nhà hảo tâm ở TP. Hà Nội và trong tỉnh hỗ trợ bánh kẹo, quà tết… cho các bệnh nhân trong xóm.

Bà Dỉnh chia sẻ: “Dịp Tết năm nào cũng vậy, hầu hết bệnh nhân chạy thận nhân tạo trong xóm đều ở lại để điều trị. Và tết này, xóm chạy thận có 17 bệnh nhân. Họ rất khó khăn trong cuộc sống, khi về đây có chỗ ở ổn định, tôi đã kết nối các nhà thiện nguyện để giúp đỡ, hỗ trợ mọi người, không chỉ dịp tết mà cả những ngày thường. Nhưng vui hơn cả là dù mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau và đến từ các địa phương trong tỉnh, nhưng dịp tết đến, xuân về, họ lại tập trung ăn bánh kẹo, hỏi han sức khỏe, trò chuyện với nhau để vơi đi nỗi nhớ nhà. Xóm trọ nghèo này dường như đã trở thành gia đình thứ hai để họ cùng nhau đón những cái tết đặc biệt, dù không đủ đầy, nhưng cũng ấm cúng, bởi có tình người, có lòng yêu thương…”.

Quang Hưng
Bình luận

Tin khác

Back To Top