Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi):

Tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề y

15:37 - Thứ Tư, 08/02/2023 Lượt xem: 7283 In bài viết

Mở rộng đối tượng hành nghề, thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề là những điểm mới trong Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 9/1/2023, thay thế cho Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

(Ảnh minh họa)

Mở rộng đối tượng hành nghề

Theo Bộ Y tế, để tăng cường việc quản lý chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề và thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác khám bệnh, chữa bệnh, Luật đã quy định sẽ mở rộng đối tượng hành nghề.

Theo đó, thay đổi từ việc cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn. Quy định này sẽ giúp bao phủ hết các đối tượng tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thực tế như cử nhân sinh học làm xét nghiệm, người đang làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng nhưng có tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh...

Bên cạnh đó, để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng mức độ sử dụng người hành nghề là bác sĩ, Luật đã cho phép sử dụng các đối tượng khác trong cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không nhất thiết phải sử dụng bác sĩ.

“Thí dụ, việc sử dụng cấp cứu viên ngoại viện thay cho bác sĩ khi thực hiện các hoạt động cấp cứu viên ngoại viện thì một ngày toàn quốc đã tiết kiệm được 34.080 giờ làm việc của bác sĩ và người bệnh sẽ được kịp thời cấp cứu tận dụng tối đa thời gian vàng giảm thiểu các chuyển biến nặng dẫn đến tử vong…).

Điều này cũng giúp đẩy mạnh mức độ chuyên môn hóa đối với người hành nghề, hạn chế được tình trạng chuyển đổi chuyên khoa không phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo và từ đó nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề”, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay.

Kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề

Luật sửa đổi cũng có các quy định nhằm nâng cao, chuẩn hóa kỹ năng của người hành nghề như việc thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề.

Theo đó, người muốn được cấp giấy phép hành nghề bắt buộc phải qua kỳ thi đánh giá năng lực do Hội đồng Y khoa Quốc gia và sau khi được cấp giấy phép hành nghề bắt buộc phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục để duy trì, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Việc quy định thi đánh giá năng lực hành nghề nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới: "thành lập hội đồng y khoa quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế".

Đánh giá được năng lực thực chất của người hành nghề, bảo đảm mục tiêu người hành nghề đủ khả năng để thực hiện việc cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh một cách an toàn, hiệu quả. Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo và yêu cầu sử dụng nhân lực trong thực tiễn. Bảo đảm phù hợp với thông lệ của quốc tế.

Quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm

Việc quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp là một trong các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng của người hành nghề.

Theo đó, người hành nghề sẽ phải thực hiện việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục, hạn chế tối đa các sai sót chuyên môn y tế để đủ điều kiện gia hạn giấy phép hành nghề cũng như phải chứng minh mình còn đủ sức khỏe để hành nghề tại thời điểm đề nghị gia hạn giấy phép hành nghề. Việc quy định giấy phép hành nghề có thời hạn cũng sẽ giúp khắc phục tình trạng một người không còn hành nghề nhưng chứng chỉ hành nghề vẫn tồn tại trên hệ thống quản lý.

Để hạn chế việc ảnh hưởng để hoạt động của người hành nghề, Luật đã quy định: Trong thời gian kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị gia hạn đến ngày hết hạn ghi trên giấy phép hành nghề, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề có trách nhiệm thực hiện việc gia hạn hoặc phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do nếu không thực hiện việc gia hạn; trường hợp đến ngày hết hạn ghi trên giấy phép hành nghề mà không có văn bản trả lời thì giấy phép hành nghề tiếp tục có hiệu lực là 5 năm.

Theo PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, việc quy định cấp lại giấy chứng nhận hành nghề 5 năm 1 lần hoàn toàn đúng đắn. Điều này sẽ đặt ra yêu cầu cán bộ y tế phải luôn luôn cập nhật kiến thức của mình để phục vụ người bệnh tốt nhất. Đồng thời, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng đã tiệm cận với xu thế phát triển chung của thế giới trong việc cấp giấy chứng nhận hành nghề.

Người nước ngoài hành nghề lâu dài phải sử dụng tiếng Việt thành thạo

Theo Bộ Y tế, quy định người nước ngoài hành nghề hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều này sẽ giúp hạn chế việc xảy ra các sự cố y khoa do thực tế trong thời gian qua việc sử dụng phiên dịch gây ra nhiều sai sót chuyên môn do bất đồng ngôn ngữ giữa người hành nghề và người bệnh; Bảo đảm hội nhập quốc tế.

Quy định này không ảnh hưởng nhiều đến nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do số lượng người hành nghề là người nước ngoài ít. Tính đến tháng 4/2022, Bộ Y tế đã cấp chứng chỉ hành nghề cho 878 người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam và người hành nghề nước ngoài hiện nay tập trung chủ yếu hành nghề vào một số chuyên khoa như thẩm mỹ, nha khoa, y học cổ truyền...

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời các chuyên gia từ các nước có nền y học phát triển sang Việt Nam để đào tạo, chuyển giao công nghệ cũng như tạo điều kiện trong việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam, tại Điều 21 Luật đã quy định một số trường hợp không bắt buộc phải sử dụng tiếng Việt trong khám bệnh, chữa bệnh.

Quy định áp dụng kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử và các thông tin này phải kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để kiểm soát, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top