Cẩn trọng với bệnh u xơ tử cung

09:12 - Thứ Hai, 20/02/2023 Lượt xem: 5495 In bài viết

ĐBP - U xơ tử cung là những khối u lành tính của tế bào cơ trơn tử cung và thường gặp ở phụ nữ từ 35 đến 40 tuổi, tỉ lệ khoảng 20 - 25% đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; u xơ tử cung không gặp ở trước tuổi dậy thì. Đây là bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ thăm, khám bệnh nhân điều trị tại Khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Tháng 8/2022, tại Khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tiếp nhận bệnh nhân L.T.P (49 tuổi), huyện Nậm Pồ, đến khám khi thấy đau bụng hạ vị. Qua thăm khám, thấy bệnh nhân không sốt, da niêm mạc hồng, âm đạo có dịch đục, cổ tử cung to, có polyp kích thước 1x1cm, tử cung kích thước to tương đương với có thai trên 3 tháng, phần phụ 2 bên không sờ thấy khối bất thường; kết quả siêu âm cho thấy tử cung kích thước to, có u xơ to kích thước 75x78mm. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc u xơ tử cung, polyp cổ tử cung, hội chẩn cắt tử cung hoàn toàn và hai phần phụ. Đây là một trường hợp bệnh nhân chủ quan không đi thăm khám sớm khi có những triệu chứng nhẹ dẫn đến tình trạng u xơ phát triển to.

Bác sĩ Lù Thị Thanh Tuyền, Phó Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Nguyên nhân gây nên u xơ tử cung chưa rõ ràng, nhưng nhiều giả thuyết cho rằng có tình trạng cường estrogen thì u xơ tử cung mới phát triển được. Triệu chứng u xơ tử cung phụ thuộc vào vị trí, số lượng và thể tích u xơ. Trong đó, ra huyết là triệu chứng phổ biến, rong kinh, cường kinh, máu kinh thường có máu cục, máu loãng, kinh kéo dài từ 7 ngày đến 10 ngày hoặc có thể dài hơn. Khí hư ra nhiều, loãng như nước. Đau bụng vùng hạ vị hoặc hố chậu, đau có thể tăng lên trước hoặc sau khi có kinh, đau hoặc tức bụng kéo dài có thể do khối u chèn ép vào các tạng lân cận. Siêu âm là phương pháp đơn giản nhất để có thể phát hiện và chẩn đoán u xơ tử cung (thấy được vị trí, kích thước u xơ) hoặc có thể nhìn thấy khối u lớn gù lên ở vùng hạ vị, sờ vào bụng có thể thấy khối u.

Bệnh có thể gây ra các biến chứng như chảy máu dưới dạng rong kinh, ra máu kéo dài dẫn đến thiếu máu; chèn ép vào niệu quản gây ứ thận, chèn ép vào trực tràng gây táo bón; u xơ to thì có thể có biến chứng thoái hóa, hoại tử vô khuẩn, ung thư hóa hiếm gặp.

Để điều trị u xơ thì tùy thuộc vào tuổi, số lần có thai, mong muốn có thai trong tương lai, vị trí, kích thước của khối u, nếu u nhỏ, không biến chứng thì chỉ cần theo dõi, không cần điều trị. Có hai phương pháp là điều trị nội khoa và ngoại khoa. Nội khoa chủ yếu là liệu pháp về nội tiết như đặt dụng cụ tử cung có chứa nội tiết hoặc uống thuốc để giảm thể tích khối u. Ngoại khoa là bóc nhân xơ tử cung, tắc động mạch tử cung, cắt tử cung toàn phần hoặc bán phần, nội soi buồng tử cung cắt nhân xơ dưới niêm mạc.

Để chủ động giảm nguy cơ mắc bệnh u xơ tử cung, chị em phụ nữ nên thăm khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần, duy trì trọng lượng cơ thể, áp dụng chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây, tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe.

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top