Không chủ quan với nguy cơ ung thư phổi

09:27 - Thứ Hai, 06/03/2023 Lượt xem: 6364 In bài viết

ĐBP - Ung thư phổi là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Năm 2022, số lượt bệnh nhân điều trị tại Khoa Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) là 197 lượt,  tháng 1/2023 có 18 lượt, cao nhất trong các bệnh ung thư đang điều trị tại khoa.

Bệnh nhân điều trị ung thư phổi tại Khoa Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Ông Đ.V.H (sinh năm 1973), xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn 4 (u ác của phế quản và phổi) đang điều trị hóa chất tại Khoa Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ông H. chia sẻ: Bản thân tôi trước đây khỏe, ít đau ốm. Thời gian vừa qua, tôi thấy đau, tức ngực, đi khám ở bệnh viện thì phát hiện ra khối u ở phế quản, sau khi sinh thiết là u ác, lúc này đã đến giai đoạn nặng, hiện tại tôi đang điều trị hóa chất chu kì 3 tại khoa. Thấy bản thân mình ít ốm vặt nên tôi cũng chủ quan, không đi khám sức khỏe định kỳ nên phát hiện ra bệnh thì cũng trong giai đoạn muộn rồi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền, Phó khoa Ung bướu cho biết: Ung thư phổi gồm có ung thư phế quản và ung thư phế nang. Ung thư phế quản phát triển từ biểu mô nhầy của niêm mạc phế quản cho nên gọi là ung thư khối điểm phế quản. Ung thư phế nang thường rất hiếm phát sinh từ biểu mô phế nang hoặc ống phế nang. Trong ung thư phổi thì chủ yếu là ung thư phế quản do đó nói đến ung thư phổi chúng ta nghĩ ngay đến ung thư phế quản. Bệnh ung thư phổi thì bệnh nhân nam mắc nhiều hơn, hiện nay, bệnh không chỉ gặp ở những người lớn tuổi, mà kể cả những người trẻ tuổi cũng mắc nhiều.

Ung thư phổi có triệu chứng rất đa dạng và rất dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác. Ho là triệu chứng hay gặp nhất, biểu hiện lúc chẩn đoán ở hơn 50% người bệnh. Ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần hoặc ho tái đi tái lại nhiều lần sau mỗi đợt điều trị; ho ra máu ở nhiều mức độ khác nhau thường là đờm có vệt máu; đau ngực là triệu chứng hay gặp, có thể gặp ở giai đoạn rất sớm, thường đau ngực mơ hồ ở giai đoạn sớm, giai đoạn sau đau ngực với cường độ nhiều và thường xuyên hơn. Khó thở là triệu chứng thường gặp, khi khối u có kích thước lớn gây chèn ép hoặc đã có dịch màng phổi sẽ gây khó thở. Biểu hiện lan tràn ngoài lồng ngực: Di căn não gây phù não, người bệnh có biểu hiện đau đầu, co giật, lú lẫn, liệt các dây thần kinh sọ; di căn xương các xương trục và xương dài dễ bị di căn nhất. Các triệu chứng toàn thân: sốt, sút cân không rõ nguyên nhân trong thời gian ngắn, chán ăn, mệt mỏi.

Để phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư phổi, người dân không hút thuốc lá, thuốc lào vì hàng trăm chất độc hại có trong khói thuốc, thuốc lá không chỉ gây ung thư phổi mà còn gây các bệnh nguy hiểm khác như ung thư vòm, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Thường xuyên tập thể dục thể thao, chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh; có môi trường sống trong lành, tránh các khói, khí độc hại; tầm soát ung thư phổi ở các đối tượng có nguy cơ cao như nghiện thuốc lá, trên 50 tuổi; khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top