Chủ động lấp “chỗ trống” y tế học đường

07:22 - Thứ Tư, 15/03/2023 Lượt xem: 7004 In bài viết

ĐBP - Điện Biên hiện có 435 trường học các cấp; tuy nhiên, mới chỉ 313 trường có nhân viên y tế (chiếm gần 72%); số còn lại chưa có (cấp mầm non 70 trường, tiểu học 40, THCS 35, THPT 25). Không những thiếu, trên thực tế trình độ nhân viên y tế học đường cũng chưa cao. Để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã có nhiều giải pháp khắc phục.

Nhân viên y tế Trường Tiểu học Thanh Xương, huyện Điện Biên kiểm tra sức khỏe cho học sinh.

Phòng GD&ĐT Tuần Giáo quản lí 62 trường trực thuộc, với gần 25.000 học sinh. Tuy nhiên chỉ có 59 nhân viên y tế, trong đó 35 người đã được cấp chứng chỉ hành nghề. Hiện huyện còn 3 trường chưa có nhân viên y tế. Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện giao nhiệm vụ cho 3 nhân viên y tế làm nhiệm vụ kiêm nhiệm trường trên cùng địa bàn xã, để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

Anh Lò Văn Pọm là nhân viên y tế Trường THCS Khong Hin (hơn 260 học sinh). Từ năm học 2022 - 2023, anh kiêm thêm công tác y tế Trường Tiểu học Khong Hin (hơn 600 học sinh). Anh dành 2 ngày trong tuần làm việc tại trường tiểu học. Lịch là thế nhưng 2 trường cách nhau 1,5km, anh thường xuyên chay qua chạy lại giữa 2 trường khi có học sinh ốm đau hay trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra với đặc thù vùng cao, học sinh ở bán trú tại trường, anh tham gia trực bán trú và thường trực nhiệm vụ đảm bảo sức khỏe cho các em.

Anh Pọm cho biết: “Để đảm bảo công tác, tôi phối hợp với giáo viên các lớp, để ý, theo dõi sức khỏe học sinh trong từng lớp. Em nào có triệu chứng ốm, bệnh thì thăm khám. Đợt vừa rồi có nhiều học sinh bị thủy đậu ở cả 2 trường, tôi đã cùng giáo viên kịp thời phát hiện, hướng dẫn, hỗ trợ các em về nhà điều trị; trong năm có 1 em bị ngã gãy tay, tôi đã kịp thời sơ cứu đưa em đi bệnh viện. Công việc có vất vả hơn nhưng vẫn đảm bảo. Tuy nhiên cơ sở vật chất trường tiểu học còn khó khăn (đang được đầu tư xây) chưa có phòng y tế, phải nhờ phòng giáo viên, công vụ; trang thiết bị, dụng cụ cũng thiếu, đôi khi phải mượn từ trường THCS sang”.

Đối mặt với nhiều khó khăn, Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo chỉ đạo các đơn vị trường học xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan để thực hiện tốt công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe học sinh. Ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Các đơn vị trường thường xuyên theo dõi sức khỏe học sinh, phối hợp với Trung tâm Y tế thị trấn, trạm y tế các xã để tổ chức khám, điều trị theo chuyên khoa cho học sinh. Đầu năm học, 100% học sinh được kiểm tra theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm học sinh mắc các bệnh học đường để xử trí, chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định và áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp; 100% học sinh có sổ khám chữa bệnh; 100% các đơn vị trường học triển khai và thực hiện tốt các phong trào vệ sinh phòng bệnh, dinh dưỡng hợp lý, xây dựng môi trường không khói thuốc lá, không sử dụng đồ uống có cồn và các chất gây nghiện trong trường học...”.

Tại huyện Điện Biên, đầu năm học Phòng GD&ĐT phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, nhân viên y tế về công tác y tế trường học, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Phối hợp với các cơ sở y tế để tổ chức khám, điều trị theo các chuyên khoa cho học sinh, thông báo các trường hợp mắc bệnh cho gia đình để phối hợp chuyển tuyến điều trị. Tư vấn học sinh, giáo viên và phụ huynh về các vấn đề liên quan đến bệnh, tật, sự phát triển thể chất, tinh thần của học sinh; hướng dẫn học sinh tự biết chăm sóc sức khỏe cho bản thân...

Ngoài các công tác trên, trước khó khăn về nhân lực, ngành GD&ĐT tỉnh đã kiện toàn và phát huy hiệu quả ban chăm sóc sức khỏe học sinh tại các trường học. Đây là lực lượng thường trực thực hiện các nhiệm vụ liên quan ở cơ sở. Song đồng thời cũng chính là giải pháp quan trọng, tạm thời lấp “chỗ trống” tại các đơn vị trường học còn thiếu nhân viên y tế. Đến nay, 100% trường học trong tỉnh đã có ban chăm sóc sức khỏe học sinh. Mỗi nhà trường xây dựng quy định cụ thể về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; phòng chống tai nạn thương tích; đảm bảo an toàn thực phẩm; dinh dưỡng; hoạt động thể lực... phù hợp thực tế. Thành viên ban chăm sóc sức khỏe dựa trên các quy định này để tham mưu kế hoạch tổ chức và trực tiếp tham gia các hoạt động liên quan.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác y tế trường học, giải pháp đóng vai trò quan trọng là sự phối hợp nhịp nhàng của ngành Y tế trong chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp cùng cơ sở trường học; đẩy mạnh hỗ trợ, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho thành viên ban chăm sóc sức khỏe các nhà trường. Thông qua đó, đội ngũ này hỗ trợ đắc lực cho công tác y tế học đường, nhất là tại các cơ sở đang còn thiếu nhân viên y tế. Về lâu dài, quan tâm tuyển dụng bổ sung nhân viên y tế đảm bảo theo quy định. Đồng thời tạo điều kiện để họ nâng cao chuyên môn, trình độ, nhằm đáp ứng triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan và yêu cầu thực tế đặt ra.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top