Phòng bệnh cúm A khi thời tiết giao mùa

08:44 - Thứ Hai, 03/04/2023 Lượt xem: 6389 In bài viết

ĐBP - Chị H.T.H, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) có con gái mắc cúm A đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Năm nay cháu 3 tuổi, ban đầu thấy con có triệu chứng mệt mỏi, nghẹt mũi, sốt cao liên tục từ 39 - 400, gia đình chỉ nghi ngờ cháu bị cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, sau 2 ngày cháu vẫn sốt cao không dứt nên gia đình đưa đi khám tại bệnh viện và được chẩn đoán mắc cúm A. Nhờ được thăm khám và điều trị kịp thời nên tình hình của cháu đã ổn hơn, các triệu chứng cũng đã thuyên giảm.

Bệnh nhi mắc bệnh cúm A điều trị tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Theo số liệu thống kê, từ ngày 1 - 30/3, tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) có 31 ca mắc cúm A nhập viện điều trị. Do diễn biến thất thường của thời tiết, gần đây căn bệnh này đang có xu hướng gia tăng tại tỉnh ta. Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra khi chuyển giao mùa, do các chủng vi rút cúm A phổ biến, như: A/H1N1, A/H3N2, A/H7N9, A/H5N1 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao và có tốc độ lây lan rất nhanh trong cộng đồng thông qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh

ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện; do tiếp xúc chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm vi rút sau đó đưa tay lên mũi, miệng, dụi mắt hoặc dùng chung đồ uống, ly uống nước, bàn chải đánh răng với người bệnh; tiếp xúc với động vật nhiễm cúm A. Mọi người đều có khả năng nhiễm bệnh; đặc biệt là người già, người đang mắc các bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ, trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng... là những đối tượng dễ mắc cúm do sức đề kháng kém.

Bác sĩ Bùi Quang Thắng, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Thời gian gần đây, ngày nào khoa cũng tiếp nhận trẻ tới khám và được chẩn đoán mắc cúm A. Triệu chứng khi mắc cúm A là ho, đau họng, cảm thấy mệt mỏi, nhức xương, đau đầu, ớn lạnh, sốt, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi. Với trẻ em có thể kèm theo các triệu chứng của đường tiêu hoá (buồn nôn, tiêu chảy). Đây là bệnh truyền nhiễm thông thường, hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, với trẻ em, thai phụ, người cao tuổi, có bệnh nền mạn tính dễ biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng bệnh cúm A, biện pháp hàng đầu là tiêm vắc xin phòng cúm định kỳ, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao cần được tiêm phòng đầy đủ trước mùa dịch. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi); không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết, nhất là những người mắc bệnh mạn tính, trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top