“Chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch

09:05 - Thứ Năm, 27/04/2023 Lượt xem: 3088 In bài viết

ĐBP - Từ năm 2020 trở lại đây là khoảng thời gian nhiều thử thách đối với ngành Y tế Điện Biên khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong cả nước cũng như trên địa bàn. Trong lúc cấp bách này, trách nhiệm “tuyến đầu” được đặt lên vai các cán bộ, y, bác sĩ ngành Y tế. Trước muôn vàn khó khăn đó, ngành Y tế tỉnh nhà luôn nỗ lực, quyết tâm cao nhất trong “cuộc chiến” chống dịch; đồng thời vẫn phải bảo đảm thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Cán bộ Trạm Y tế phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn.

Từ đầu năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới có khả năng lây lan rất nhanh. Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến chống dịch, Điện Biên như một thành trì vững chãi, được bảo vệ an toàn bởi những “chiến sĩ áo blouse trắng”. Giai đoạn này, Điện Biên tiếp tục thực hiện nguyên tắc “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị hiệu quả”: Chủ động theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh trên toàn quốc; kịp thời triển khai các biện pháp giám sát, phòng chống dịch; thành lập Bệnh viện dã chiến tại TP. Điện Biên Phủ. Nhờ thực hiện nghiêm việc điều tra, truy vết, cách ly, xét nghiệm, Điện Biên đã phát hiện kịp thời 3 trường hợp dương tính với vi rút SAR-CoV-2 có yếu tố dịch tễ trở về từ tỉnh Hải Dương, không để dịch lây lan ra cộng đồng, không để xảy ra tử vong do Covid-19.

Bước vào giai đoạn tiếp theo, tính từ cuối tháng 4/2021 đến nay, tình hình dịch bệnh liên tiếp có những diễn biến phức tạp, bùng phát và lan rộng ra toàn tỉnh. Trước tình hình đó, bám sát sự chỉ đạo của Bộ Y tế, của tỉnh, ngành Y tế kịp thời linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo phòng chống dịch bệnh phù hợp với tình hình dịch ở trong nước và quốc tế như: Chủ động đón người dân từ các khu công nghiệp lớn, các nơi đang bùng phát dịch có mong muốn trở về địa phương; triển khai nhanh chóng, thần tốc các đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19, ngay sau khi có quyết định phân bổ vắc xin của Bộ Y tế. Trong những tháng đầu năm 2022 khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại địa phương, ngành thực hiện phân tầng điều trị, đối với bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ triển khai điều trị, cách ly tại nhà. Thực hiện công tác quản lý, thu dung, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 theo phương án “4 tại chỗ”, hạn chế tối đa di chuyển người bệnh, thiết lập và tổ chức triển khai cơ sở điều trị Covid-19 tại địa phương. Nhờ các chỉ đạo, hướng dẫn linh hoạt, kịp thời tỉnh đã không để xảy ra tình trạng quá tải bệnh viện; các trường hợp mắc Covid-19 đều được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong. Đến thời điểm này, tỉnh Điện Biên chỉ ghi nhận 24 trường hợp tử vong do Covid-19. Các trường hợp tử vong chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh lý nền mạn tính nặng kèm theo...

Không chỉ làm tròn trách nhiệm với nhân dân Điện Biên, đội ngũ y, bác sĩ tỉnh nhà còn thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của người thầy thuốc khi vượt hàng ngàn cây số vào miền Nam chống dịch. Từ tháng 8 - 11/2021, hơn 100 cán bộ, y, bác sĩ ngành Y tế tỉnh nhà tạm gác việc riêng lên đường vào Nam chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Bốn đoàn công tác thay nhau trong gần 3 tháng “chia lửa” với TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương với tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm, quyết tâm cùng cả nước ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Họ đã thực hiện sứ mệnh của người thầy thuốc như Lời thề Hippocrates thiêng liêng... Cùng với các lực lượng y tế chi viện khác trong cả nước, trong thời gian đứng vững ở tuyến đầu, 4 đoàn công tác, hơn 100 cán bộ, y bác sĩ ngành Y tế tỉnh nhà đã điều trị cho hàng nghìn lượt bệnh nhân. Câu chuyện về những y, bác sĩ Điện Biên cùng chung sức, đồng lòng hướng về tâm dịch miền Nam chắc chắn sẽ còn được lưu mãi như một minh chứng về y đức sáng ngời của người thầy thuốc...

Trong trận chiến với đại dịch Covid-19 từ những ngày đầu đến nay, hình ảnh người “chiến sĩ áo blouse trắng” luôn khắc sâu trong tâm trí những người dân Điện Biên. Bởi không chỉ làm những công việc chuyên môn, họ còn làm tất cả mọi việc, từ khuân vác đồ, chuẩn bị giường, chuẩn bị phòng đủ tiêu chuẩn để đón bệnh nhân điều trị… Trong khi thời tiết Điện Biên nắng nóng, bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, mồ hôi vã ra như tắm, ai cũng mệt nhưng cũng đều phải cố gắng với quyết tâm thắng dịch. Luôn ở tuyến đầu, tiếp xúc với nguồn bệnh nên nguy cơ lây nhiễm rất cao nên các y, bác sĩ thường phải ở lại cơ quan để vừa đảm bảo an toàn cho người thân, vừa là một biện pháp phòng dịch, không để lây lan hiệu quả. Thế nhưng với họ, thiếu ngủ, ăn uống thất thường, nắng nóng, bản thân phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm cao... vẫn không thể bằng nỗi nhớ khi xa gia đình, vợ con, người thân hàng tháng trời. Mà trong khi niềm vui đoàn tụ chỉ có được ngắn ngủi qua màn hình điện thoại khi họ được tháo bộ đồ bảo hộ để nghỉ ngơi...

Vượt lên tất cả khó khăn, những “chiến sĩ áo blouse trắng” tỉnh nhà đã hoàn thành tốt trách nhiệm ở tuyến đầu chống dịch. Từ tháng 5/2022 đến nay, tỉnh nhà tiếp tục thích ứng an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128 và Nghị quyết số 38 của Chính phủ. Bằng kinh nghiệm thực tế trong quá trình chống dịch, ngành Y tế Điện Biên cũng rút ra được nhiều bài học quý báu. Trên cơ sở kinh nghiệm của Đoàn công tác của tỉnh tăng cường chống dịch cho TP. Hồ Chí Minh và tình hình thực tế của địa phương, ngành Y tế tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thành lập các trạm y tế lưu động ngay tại bản Gia Phú, xã Na Tông và xã Na Ư, huyện Điện Biên giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại bản, xã. Sau này đã được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, các trạm y tế lưu động được thiết lập giúp người dân trong vùng dịch tiếp cận với các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, từ xa, từ cơ sở để phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng, có biện pháp chuyển lên tuyến trên kịp thời, hạn chế tối đa tử vong; đồng thời, triển khai xét nghiệm nhanh tại cộng đồng và truyền thông đến từng người dân về Covid-19. Một kinh nghiệm quý nữa được ngành Y tế tỉnh nhà rút ra là việc quản lý, điều trị tại nhà cho người nhiễm (F0) chứ không điều trị tập trung như trước. Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình thực tế của tỉnh, ngành Y tế tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện phân tầng điều trị. Đối với bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ triển khai điều trị, cách ly tại nhà, qua đó đã góp phần giảm lây nhiễm chéo, quá tải trong cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh...

Có thể thấy rằng, ngành Y tế tỉnh nhà đã và đang thực hiện tốt việc bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức khoẻ, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch Covid-19, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh...

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top