Tiện ích từ khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp

07:34 - Thứ Ba, 16/05/2023 Lượt xem: 6123 In bài viết

ĐBP - Sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp thay thế bảo hiểm y tế (BHYT) trong khám, chữa bệnh là một bước tiến lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính ngành y tế. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người và giảm áp lực cho đội ngũ cán bộ y tế, góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD thông qua pano, áp phích.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, việc triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp được thực hiện từ năm 2022. Để việc triển khai được thuận lợi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện hạ tầng kỹ thuật như nâng cấp phần mềm, trang thiết bị đầu đọc CCCD gắn chíp có tích hợp module sinh sắc… sẵn sàng triển khai tích hợp, xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chíp trong khám, chữa bệnh. Đến nay, bệnh viện đã có 12 đầu quét QR code quét CCCD.  

Bác sĩ Trần Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Việc sử dụng CCCD gắn chíp để khám, chữa bệnh BHYT tạo nhiều thuận lợi hơn trong thực hiện quy trình khám, chữa bệnh. Giờ đây nhân viên y tế chỉ cần quét QR-Code trên CCCD thì thông tin BHYT của người khám sẽ hiển thị đầy đủ, chính xác, không cần phải đối chiếu, xác minh thông tin với các giấy tờ khác.

Công tác tuyên truyền sử dụng CCCD gắn chíp trong khám chữa bệnh được BVĐK tỉnh chú trọng thông qua pano, áp phích, loa phát thanh, trang tin điện tử của bệnh viện... Nhờ vậy phần lớn người dân bước đầu đã quen với quy trình khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp tại bệnh viện. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, tại BVĐK tỉnh đã có trên 12.300 trường hợp đăng ký khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp thành công, chiếm tỷ lệ 95,4%.

Hiện nay hầu hết cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã áp dụng việc khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chíp, nhiều bệnh nhân đi khám chữa bệnh đều phấn khởi vì thủ tục khám, chữa bệnh được rút gọn. Tại Phòng khám Đa khoa Thanh Hải (TP. Điện Biên Phủ), việc sử dụng CCCD gắn chíp thay thẻ BHYT đã giúp người dân làm thủ tục nhanh chóng, thuận tiện hơn. Cô Hoàng Thị Hà, tổ dân phố 6, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: Trước đây mỗi lần đi khám tôi luôn lo lắng mang các loại thẻ, giấy tờ để tránh tình trạng không được hưởng BHYT. Còn giờ đây khi thẻ BHYT được tích hợp vào CCCD gắn chíp thì chỉ cần mang mỗi CCCD là xong, thủ tục cũng rút ngắn hơn.

Trước đây khi đi khám, chữa bệnh, người dân phải xuất trình nhiều giấy tờ, chờ đợi khá lâu để nhân viên y tế xác minh và nhập thông tin. Một số trường hợp thông tin không khớp giữa bảo hiểm và giấy tờ tùy thân thì phải chờ đợi lâu hơn. Cũng có người thẻ BHYT bị rách hoặc mất khiến việc đăng ký khám, chữa bệnh gặp không ít khó khăn. Với việc triển khai, sử dụng CCCD gắn chíp, người dân, nhân viên y tế không tốn thời gian làm thủ tục giấy tờ. Người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh hơn, cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT.

Thực hiện khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD tại Phòng khám Đa khoa Thanh Hải.

Trên địa bàn tỉnh, kể từ ngày 1/5/2022, các cơ sở khám, chữa bệnh bắt đầu triển khai thực hiện việc khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp. Đến nay toàn tỉnh đã có 139/139 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp; phần mềm khám chữa bệnh, hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở khám chữa bệnh được nâng cấp cơ bản đáp ứng nhiệm vụ. Trong đó, số đầu đọc mã QR-Code trên CCCD đã được trang bị là 147 chiếc tại 117/139 cơ sở khám chữa bệnh. Lũy tích lượt khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD kể từ ngày 1/5/2022 đến ngày 26/4/2023 là 337.667 lượt, thực hiện thành công là 210.452 lượt (62,3%).

Thực tế cho thấy, dù việc khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp mang lại nhiều tiện ích, song qua hơn 1 năm triển khai tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như thông tin giữa thẻ BHYT và CCCD chưa chính xác và đồng nhất như: ngày, tháng, năm sinh; họ và tên; nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu; thiếu ký tự chữ trong họ tên của bệnh nhân... nên bệnh nhân phải quay lại khám theo hình thức cũ. Hay có những trường hợp CCCD của người dân chưa tích hợp dữ liệu về BHYT phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh BHYT; một số bệnh nhân lớn tuổi hoặc bệnh nhân là người dân tộc thiểu số vẫn giữ thói quen làm thủ tục khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT hoặc chưa xuất trình CCCD bởi lo sợ vấn đề bảo mật thông tin. Đặc biệt có hiện tượng một số bệnh nhân sau khi khám xong đã bỏ về và không hoàn thành quy trình khám.

Về lâu dài, 100% số người tham gia BHYT sẽ tích hợp thông tin vào thẻ CCCD. Điều này đồng nghĩa với việc sử dụng CCCD gắn chíp để khám, chữa bệnh sẽ phổ cập hoàn toàn, giúp minh bạch thông tin, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp đón, tạo thuận tiện cho người dân.

Ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để đẩy mạnh việc thực hiện khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân biết và hiểu về những tiện lợi, lợi ích mang lại, từ đó dần thay đổi thói quen sử dụng CCCD gắn chíp hoặc cài đặt ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh khi đi khám, chữa bệnh BHYT. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, bất cập phát sinh cho các cơ sở khám chữa bệnh. Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh đầu tư nâng cấp hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin, các nền tảng ứng dụng đảm bảo tính liên thông đồng bộ, giảm bớt thời gian, thủ tục hành chính của người dân khi đi khám chữa bệnh.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top