Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khám chữa bệnh

15:40 - Thứ Tư, 07/06/2023 Lượt xem: 7113 In bài viết

ĐBP - Cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, hệ thống trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và khám chữa bệnh. Qua đó, đã và đang mang lại nhiều lợi ích góp phần phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn...

Nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh quét căn cước công dân gắn chip cho người đến khám bệnh.

Đã từ lâu, khu vực đăng ký khám bệnh của Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh không còn cảnh lộn xộn, chen lấn. Bởi thay vì phải nộp sổ cho nhân viên tiếp nhận rồi chờ đợi lấy số thứ tự khám bệnh như trước kia, nay người bệnh đến khám bệnh sẽ lấy số và chờ đến lượt vào khám. Đó là kết quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai từ nhiều năm trở lại đây.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Hiện nay, đơn vị triển khai khá nhiều ứng dụng vào quản lý và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Trước hết, hệ thống quản lý tổng thể Bệnh viện được đưa vào quản lý việc tiếp nhận bệnh nhân, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, dược, thanh quyết toán bảo hiểm y tế… Bệnh nhân đến khám chỉ cần đăng ký tại một điểm ngay tại khu vực đón tiếp, sau đó thông tin của bệnh nhân được cập nhật lên phần mềm và chuyển tới các buồng khám. Sau đó, bệnh nhân tới trước buồng ngồi chờ đến lượt. Với hệ thống màn hình hiển thị tên bệnh nhân, thứ tự vào khám ở mỗi buồng giúp cho người đến khám chủ động được thời gian khi chờ đến lượt. Qua đó, giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh và giảm áp lực cho cán bộ y tế... Không chỉ vậy, đơn vị còn đang triển khai tiếp đón bệnh nhân bằng căn cước công dân gắn chíp. Khi bệnh nhân đến khám, đơn vị bố trí đầu đọc căn cước, cử nhân viên bộ phận công nghệ tới hỗ trợ tại phòng khám cho bệnh nhân. Với phương thức này, người đến khám không phải mang nhiều giấy tờ như trước mà tất cả đều đã được tích hợp trong căn cước. Hơn nữa, chỉ sau 1 lần quét là tất cả thông tin đều hiện ra, nhân viên y tế không phải mất nhiều thời gian cho việc viết giấy tờ sổ sách, thời gian được dành nhiều hơn cho việc khám chữa bệnh...”.

Tại khu vực đón tiếp bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện đang đặt 2 đầu đọc căn cước gắn chip. Trong đó, 1 đầu đọc tự động để người đến khám có thể tự thực hiện các thủ tục. Thao tác khá đơn giản nên nhiều bệnh nhân có bệnh mãn tính thường xuyên phải vào thăm khám tại bệnh viện có thể tự thực hiện. Còn nếu người đến khám chưa biết cách thao tác có thể quét thông tin tại đầu đọc còn lại hoặc nhờ nhân viên y tế hướng dẫn. Có mẹ già bị bệnh tim mạch nên đây là lần thứ 3 trong tháng này ông Lường Văn Tiên, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) làm các thủ tục nhập viện cho mẹ. Nếu như trước đây các thủ tục hành chính khá rườm rà thì hiện nay, chỉ với một chiếc căn cước công dân gắn chíp và một lần quét tại buồng tiếp đón là ông đã có thể đưa mẹ mình vào khám bệnh. Ông Tiên chia sẻ: “Ngày trước đến khám bệnh phải xuất trình đủ loại giấy tờ xong xếp sổ ngồi chờ. Giờ khi đến chỉ cần mang theo căn cước, cung cấp sơ bộ loại hình bệnh tật, nhu cầu cần thăm khám là được in phiếu khám bệnh có ghi rõ số thứ tự, số phòng khám, giờ đến khám. Sau đó chỉ việc đến đúng buồng khám ghi trên giấy. Không biết đường sẽ có nhân viên bệnh viện hướng dẫn. Vì có hệ thống số tự động nên vào khám một cách tuần tự, công bằng, tạo tâm lý thoải mái cho người bệnh và người nhà bệnh nhân...”.

Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang là bệnh viện vệ tinh của hàng chục bệnh viện hạt nhân tại tuyến Trung ương. Bởi vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang giúp ích rất nhiều cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong công tác khám, chữa bệnh. Bác sĩ Trần Đức Nghĩa cho biết thêm: “Đơn vị đầu tư hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến có thể kết nối với các bệnh viện tuyến trên. Hàng tuần, các bệnh viện thường xuyên họp trực tuyến để đưa các ca bệnh ra thảo luận. Qua triển khai, đơn vị đã tham gia, tiến hành hội chẩn, thực hiện mổ, siêu âm nhiều ca qua hệ thống cầu truyền hình với điểm cầu tuyến trên. Ngay như vài tháng trước, đơn vị có tiếp nhận ca bệnh bị chấn thương sọ não, nếu chuyển tuyến có thể sẽ nguy kịch nên đã tiến hành lập cầu truyền hình ca mổ với Bệnh viện Việt Đức. Nhờ có sự hỗ trợ của các bác sĩ tuyến trên, ca mổ đã thành công cứu sống được bệnh nhân. Có thể thấy rằng, việc đưa hệ thống này vào hoạt động giúp giảm chi phí cho người bệnh và cũng giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho y, bác sĩ tại đơn vị”.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top