ĐBP - Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn năm 2023 (gọi tắt là chiến dịch) được triển khai nhằm nâng cao nhận thức về chính sách dân số và đưa các gói dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến gần người dân ở các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đây là một trong những giải pháp thiết thực để thực hiện hiệu quả công tác dân số và phát triển trong tình hình mới.
Xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa) triển khai chiến dịch đợt I năm 2023 từ ngày 25/3 đến 31/5. Tại Trạm Y tế xã vào ngày triển khai chiến dịch, đông đảo phụ nữ trên địa bàn đã có mặt từ sáng sớm. Tham gia chiến dịch, chị em được tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chọn lựa thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Cùng với đó, cán bộ y tế còn tổ chức các buổi truyền thông tại từng thôn nhằm đưa thông tin về công tác dân số tới người dân gần nhất.
Trước khi diễn ra chiến dịch, căn cứ vào kế hoạch triển khai chiến dịch của Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa, Trạm Y tế cùng cán bộ chuyên trách dân số xã tham mưu UBND xã xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch cũng như phối hợp cùng các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động các đối tượng trong diện thực hiện KHHGĐ tham gia; tăng cường tuyên truyền về chiến dịch trên hệ thống loa phát thanh; tổ chức truyền thông, tư vấn trực tiếp tại các điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ; thông báo thời gian, địa điểm tổ chức cung cấp dịch vụ đến từng thôn, bản.
Thực tế cho thấy, phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa ít quan tâm đến việc chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, số người đi khám sức khỏe định kỳ không nhiều. Vì vậy, khi thực hiện chiến dịch, người dân rất phấn khởi và tích cực tham gia. Chị Hoàng Vu Siến, thôn Tả Sìn Thàng cho biết: Đến Trạm Y tế, tôi được kiểm tra sức khỏe và thực hiện biện pháp tránh thai. Tôi thấy chiến dịch này rất có ý nghĩa, giúp chúng tôi tiếp cận dịch vụ y tế tại địa phương mà không mất nhiều thời gian, chi phí.
Xã Tả Sìn Thàng là 1 trong số 61 xã trên địa bàn tỉnh triển khai chiến dịch đợt I/2023. Trọng tâm chiến dịch là tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn. Triển khai thực hiện, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã phối hợp với các phòng, ban, đoàn thể tại các địa phương, huy động cộng tác viên dân số thôn, bản tổ chức tuyên truyền các nội dung, hoạt động của chiến dịch, thăm hộ gia đình tư vấn vận động đến các đối tượng đích thực hiện chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Cùng với đó, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Điện Biên Phủ tuyên truyền về các hoạt động và kết quả triển khai chiến dịch. Đồng thời chỉ đạo trạm y tế cấp xã tăng cường truyền thông, tư vấn thăm hộ gia đình, phát thanh trên loa tại xã, thôn bản về các nội dung dân số, thông báo thời gian, địa điểm tổ chức chiến dịch... Nội dung tuyên truyền gồm: Giới thiệu 3 gói dịch vụ chính triển khai trong chiến dịch (KHHGĐ, phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản, làm mẹ an toàn); các nội dung về dân số và phát triển (giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, lợi ích sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; lợi ích của tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn...).
Nhờ tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, chiến dịch đợt 1 (từ 24/3 đến 31/5) đã triển khai vượt kế hoạch đề ra (64 chiến dịch/61 xã) thuộc 10/10 huyện, thị, thành phố. Kết quả thực hiện chỉ tiêu các biện pháp tránh thai lâm sàng đạt 75,1% kế hoạch. Số phụ nữ được khám thai đạt trên 1.040 người, trên 4.300 lượt phụ nữ được khám phụ khoa...
Bác sĩ CKII Vũ Thị Thùy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ cho biết: Tập trung thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, trong những năm qua, ngành dân số Điện Biên đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn. Thông qua việc triển khai toàn diện, đồng bộ các hoạt động cung cấp dịch vụ có chất lượng về nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa; tăng cường tuyên truyền, vận động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh... đã góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng giống nòi và ổn định quy mô, cơ cấu dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.