Dẹp nạn quảng cáo “nổ” thực phẩm bảo vệ sức khỏe

09:48 - Thứ Tư, 12/07/2023 Lượt xem: 5035 In bài viết

Thực trạng quảng cáo “nổ” thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn biến phức tạp và gây nhức nhối trong dư luận xã hội.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo và xử lý vi phạm. Dù vậy, tình hình vi phạm về quảng cáo các sản phẩm này giảm không đáng kể. Việc này đòi hỏi cơ quan chức năng phải quyết liệt hơn trong việc dẹp nạn quảng cáo “nổ” thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Đội quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại huyện Hoài Đức.

Hàng loạt sản phẩm bị “tuýt còi”

Nhu cầu sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe của người dân ngày càng tăng lên. Kéo theo đó, thị trường các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe cũng phát triển mạnh.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thực tế cho thấy, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Cụ thể, nội dung quảng cáo chưa đúng, quảng cáo thực phẩm chức năng thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh… tạo sự hiểu lầm của người dân khi mua và sử dụng sản phẩm. Thời gian qua, liên tiếp các vụ quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật bị xử lý.

Ngay trong tháng 6-2023, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên các đường link: https://mypharma.vn/san-pham/reishi-kids-protect-neo/; https://minizon.vn/san-pham/tang-de-khang-reishi-kids-protect-neo-kids/ quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Reishi Kids® Protect không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định, quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Thế nhưng, tại buổi làm việc với Cục An toàn thực phẩm, đại diện Công ty TNHH Neovital Việt Nam (ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) - đơn vị sở hữu giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm đã khẳng định, đến thời điểm hiện tại, công ty không thực hiện, không ủy quyền cho tổ chức, cá nhân nào quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Reishi Kids® Protect tại các đường link nêu trên.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm cũng đã phát hiện trên trang web: https://shipthuocnhanh.com/thuoc-calbriona-eu/ quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Calbriona EU vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm. Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Biophar Việt Nam (địa chỉ ở quận Hà Đông, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Thế nhưng, tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng Giám đốc Công ty khẳng định, website nêu trên không phải của công ty...

Theo Cục An toàn thực phẩm, việc kinh doanh trực tuyến, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội, trong khi đó sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa đạt hiệu quả cao.

Đề cập đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Việt Nga cho biết, hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, nội dung quảng cáo “nổ”, quảng cáo thổi phồng về công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng rất phổ biến. Thế nhưng, khó khăn hiện nay là khi cơ quan chức năng phát hiện những website, tên miền quảng cáo sản phẩm vi phạm quy định và làm việc với doanh nghiệp thì họ lại “chối bay, chối biến” không liên quan đến các quảng cáo đó. Việc đăng tên miền với tư cách cá nhân, cho phép cấp tên miền ẩn danh. Do đó, khi phát hiện sai phạm, việc truy xuất rất khó khăn.

Tránh “tiền mất, tật mang”

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong gần 3 năm qua, Tổ phản ứng nhanh với thành viên là các chuyên viên cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành đã kịp thời thông tin rất nhanh những vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên website, mạng xã hội. Từ những thông báo này, cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn sự lan truyền của những quảng cáo sai phạm, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế của người dân.

Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng đã tổng hợp để chuyển Bộ Thông tin và Truyền thông về những kiến nghị, đề xuất, tìm ra đích danh công ty thực hiện quảng cáo sai phạm cần phải xử lý. Thậm chí, trên website chính thức của Cục An toàn thực phẩm còn liên tiếp đưa ra các cảnh báo phát hiện sai phạm, khuyến nghị người dân trước mắt không mua sản phẩm quảng cáo sai phạm để tránh “tiền mất, tật mang”.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để dẹp nạn quảng cáo “nổ” thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thời gian tới cần hoàn thiện về thể chế pháp luật phù hợp với tình hình thực tế (như kinh doanh online, văn phòng ảo...). Dù tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng cũng phải bảo đảm an toàn sức khỏe người dân.

Liên quan đến vấn đề mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Ngoài ra, khi mua bất kỳ sản phẩm nào, người dân cần đọc kỹ nhãn sản phẩm. Cụ thể, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe có quy định ghi dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe. Đặc biệt, chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng; mua sản phẩm phải có hóa đơn của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên...

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top