Viêm gan B nhưng không điều trị, nhiều người biến chứng ung thư gan

10:20 - Thứ Năm, 27/07/2023 Lượt xem: 6196 In bài viết

Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về tỷ lệ nhiễm viêm gan B, hiện đã có hơn 8 triệu người mắc viêm gan B và gần 1 triệu người viêm gan C. Tuy nhiên tỷ lệ người bệnh được kiểm soát còn khá ít.

Nếu không được kiểm soát tốt, nhiều người trong số đó sẽ mắc xơ gan hoặc ung thư gan. Hưởng ứng Ngày Viêm gan thế giới (28/7), nhiều hoạt động được tổ chức để tăng cường nhận thức xã hội về viêm gan, từ đó hướng tới mục tiêu loại bỏ viêm gan virus tại Việt Nam.

Nhiều người trẻ mắc ung thư gan

Nam bệnh nhân 28 tuổi ở Ninh Bình được Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán ung thư gan, viêm gan B. Bệnh nhân được nhập viện Khoa Ngoại Gan mật – Tiêu hóa & Ung bướu để làm các xét nghiệm đánh giá giai đoạn bệnh và hội chẩn tìm phương án điều trị phù hợp.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang xem phim chụp khối u gan của nam bệnh nhân 28 tuổi.

Kết quả bệnh nhân có khối u gan đường kính lớn 14cm. Theo chia sẻ của người cha, cách đây 8 năm, con trai ông đang đi làm thêm cho công ty nước ngoài thì bị tai nạn giao thông. Sau 22 ngày hôn mê, con trai ông tỉnh lại, nhưng sức khoẻ và năng lực làm việc sa sút, vị trí công tác cũ không còn. 8 năm sau, ông bàng hoàng khi nhận thông tin con trai mắc viêm gan B và ung thư gan. Bệnh nhân còn rất trẻ, vì vậy sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cắt gan, đây là biện pháp điều trị đem lại hiệu quả cao nhất cho bệnh nhân.

BSCKI Phạm Thị Việt Anh, Phó trưởng Khoa Nội tiêu hoá, Bệnh viện 19-8 cho biết, qua thăm khám, có nhiều bệnh nhân bị viêm gan B nhưng không biết, hoặc biết nhưng không điều trị; hoặc có điều trị thời gian đầu, sau đó bỏ thuốc, không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, một thời gian sau đi khám, bệnh đã tiến triển thành ung thư gan.

Có mẹ đẻ mất vì ung thư gan trên nền viêm gan siêu vi B, bản thân cũng mắc virus siêu vi B khi còn nhỏ, nên chị P.T.T (36 tuổi, ở Bình Dương) đã tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị của bác sĩ. Nhờ đó, sức khoẻ của chị T ổn định. Tuy nhiên, kể từ tháng 5/2021 đến nay, chị T chủ quan không đi khám cũng như tự ý bỏ thuốc điều trị.

Khi cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường, lúc này đi khám thì chị và gia đình vô cùng sốc với chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) giai đoạn cuối, theo dõi di căn phổi. “3 tuần nay tôi thấy đau âm ỉ vùng thượng vị, lan sang hạ sườn phải, người mệt mỏi, ăn uống bình thường nhưng vẫn sụt 2kg/tháng. Bạn bè khuyên tôi đi khám và tôi thực sự sốc trước tin dữ”, chị T cho biết.

Chủ quan dẫn đến cái kết đau lòng

Ths.BS Nguyễn Quốc Phương, Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Tại Việt Nam có 8-10% dân số mắc viêm gan B, tương đương khoảng 8-10 triệu người. Bệnh viêm gan B không biểu hiện ra triệu chứng bên ngoài (trừ viêm gan B cấp hoặc đợt cấp của viêm gan B mạn). Vì vậy, người bệnh không đi khám và không phát hiện được mình bị nhiễm virus viêm gan B. Trường hợp ông N.K.H (68 tuổi, Tiên Du, Bắc Ninh) là một ví dụ điển hình. Ông H. đã dùng thuốc nam để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Ông chỉ được phát hiện viêm gan B tình cờ (không chủ động kiểm tra) trong đợt ốm nặng. Khi chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh viêm gan B đã ở giai đoạn muộn, có biến chứng xơ gan (xơ gan mất bù) chưa loại trừ ung thư gan.

Ông B phải điều trị hồi sức tích cực với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, tiền hôn mê gan, xơ gan, viêm phổi, truyền máu tối khẩn cấp… Dù đã nỗ lực cấp cứu nhưng tình trạng bệnh nhân nặng, tiên lượng tử vong, gia đình xin cho ông về chăm sóc tại nhà.

TS Ngô Chí Cương - Trưởng chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết: Ung thư gan là “sát thủ” hàng đầu về sức khỏe ở nhiều nước trên thế giới và Việt Nam (đứng thứ 3 sau ung thư phổi và ung thư dạ dày), do nhiều nguyên nhân gây nên như do virus viêm gan B, virus viêm gan C, xơ gan...

Nếu được phát hiện sớm thì có thể áp dụng các phương pháp điều trị triệt căn như ghép gan, phẫu thuật cắt gan, nhưng đáng tiếc là nhiều trường hợp chủ quan đi khám ở giai đoạn muộn. Lúc này khối u gan kích thước lớn, hoặc xâm lấn di căn nên việc điều trị vô cùng khó khăn và ít hiệu quả, mục đích điều trị chỉ còn là kéo dài sự sống cho người bệnh bằng các phương pháp như nút mạch, hay điều trị đích...

“Khi đã được chẩn đoán mắc viêm gan B mạn tính, đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ phải sống chung với virus lâu dài, đến thời điểm hiện tại, bệnh này chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nên việc quản lý, theo dõi và điều trị là hành trình kiên trì, bền bỉ. Thuốc đặc trị viêm gan siêu vi B có tác dụng ức chế virus HBV, qua đó làm giảm nguy cơ bệnh tiến triển dẫn tới xơ gan, ngăn ngừa viêm gan B lây truyền sang người khác, cũng như hạn chế các biến chứng cho bệnh nhân”, TS Cương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đáng tiếc nhiều người được chẩn đoán mắc viêm gan B nhưng lại không tuân thủ điều trị. BS Nguyễn Thị Huyền, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Trung bình mỗi tháng có khoảng 9.000 người đến khám vì viêm gan, trong đó nhiều trường hợp đến viện muộn đã ở vào giai đoạn ung thư gan.

Khi mắc viêm gan B, người bệnh luôn phải uống thuốc đúng hẹn, uống thuốc nhất định vào 1 giờ trong nhiều năm, giúp ức chế virus trong cơ thể, để không bị xơ gan, ung thư gan, có chất lượng sống bình thường. Người bệnh đi tái khám 3-6 tháng/lần để phát hiện sớm và xử trí kịp thời các biến chứng viêm gan B gây ra như xơ gan và ung thư gan.

BS cũng khuyến cáo thêm, những người có tiền sử viêm gan virus B, C, nghiện rượu, đặc biệt bệnh nhân xơ gan do rượu, béo phì, nhiễm độc Aftatoxin... nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát, phát hiện sớm những tổn thương bất thường trong gan.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top