8 yếu tố làm tăng mức độ kháng thuốc tại bệnh viện

15:31 - Thứ Ba, 26/09/2023 Lượt xem: 4988 In bài viết

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo về quản lý kháng sinh tại bệnh viện từ lý thuyết đến thực hành và lễ ký kết hợp tác viện -trường do Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tổ chức ngày 26-9.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Đáng lo ngại, việc kháng thuốc kháng sinh gây khó khăn cho công tác điều trị, người bệnh phải điều trị dài ngày, phối hợp nhiều loại thuốc, gây tốn kém…

PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, Trường Đại học Dược Hà Nội cho rằng: Có 8 yếu tố làm tăng mức độ kháng thuốc tại bệnh viện, gồm số lượng bệnh nhân quá tải; nhiều bệnh nhân nặng, suy giảm miễn dịch; nhiều thiết bị và kỹ thuật mới được áp dụng; tăng các vi khuẩn đề kháng từ cộng đồng; kiểm soát nhiễm khuẩn, thực hành cách ly chưa hiệu quả (chưa tuân thủ các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn); tăng sử dụng kháng sinh trong ngoại khoa; tăng điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm kháng sinh phổ rộng và sử dụng quá nhiều kháng sinh tính theo đầu khoa, phòng trong 1 đơn vị thời gian.

Trong 8 yếu tố này, theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh có đến 50% yếu tố có thể thực hiện được trong bệnh viện hoặc thông qua chương trình quản lý kháng sinh và kiểm soát nhiễm khuẩn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, để quản lý tốt kháng sinh, đòi hỏi người thầy thuốc phải đạt được 5 nhiệm vụ, gồm: Cho thuốc đúng người bệnh, chọn đúng thuốc, cho thuốc đúng thời điểm (không sớm quá cũng không muộn quá), cho đúng liều dùng và tránh gây tổn hại ít nhất cho người bệnh trong quá trình sử dụng kháng sinh.

Lễ ký kết hợp tác giữa Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và Trường Đại học Dược Hà Nội.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trung bình khám từ 1.700 đến 2.000 bệnh nhân/ngày và hơn 900 giường nội trú hầu như luôn kín. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh, bệnh viện đã giảm tình trạng quá tải, giảm thời gian chờ đợi và cấp phát thuốc cho bệnh nhân, nhất là quản lý có hiệu quả việc sử dụng kháng sinh trong bệnh viện.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, mức tiêu thụ kháng sinh ưu tiên quản lý chỉ chiếm 17,77% kháng sinh sử dụng nội trú tại bệnh viện trong 6 tháng đầu năm 2023 - đây là mức thấp nhất trong ngành Y tế Thủ đô. Để có được kết quả này, thời gian qua, bệnh viện đã triển khai Ban quản lý sử dụng kháng sinh; triển khai hỗ trợ cảnh báo kê đơn trên phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp phát thuốc…

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn chuyên môn để nâng cao kiến thức về sử dụng thuốc hợp lý an toàn. Theo đó, những chỉ định nào được dùng kháng sinh, dự phòng kháng sinh, chọn loại kháng sinh nào, thời gian nào cho chính xác và hiệu quả… Đặc biệt, bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin thiết kế mô hình dùng thuốc cho từng nhóm bệnh, cá thể hóa việc sử dụng thuốc.

“Hiện, bệnh viện đang quản lý gần 12.000 bệnh nhân mạn tính điều trị ngoại trú. Với mỗi bệnh nhân mắc đái tháo đường, bệnh viện sẽ tính toán cụ thể việc họ sử dụng bao nhiêu loại thuốc, bao nhiêu lần tiêm… Nhờ cá thể hóa việc sử dụng thuốc trên từng người bệnh sẽ giúp bệnh viện dự trù được số lượng thuốc cần có, bảo đảm cung ứng đủ thuốc điều trị”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường thông tin.

Tại hội thảo, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Dược Hà Nội. Theo đó, Trường Đại học Dược Hà Nội sẽ hỗ trợ cập nhật kiến thức đến các cán bộ y tế của bệnh viện về dược lâm sàng, quản lý dược, thông tin thuốc…, giúp thầy thuốc kê đơn đúng hơn, an toàn hơn nhằm mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất, giảm tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top