Không chủ quan với bệnh lỵ

10:02 - Thứ Ba, 03/10/2023 Lượt xem: 7477 In bài viết

ĐBP - Bệnh kiết lỵ hay còn gọi là lỵ là bệnh nhiễm trùng đường ruột gây ra tiêu chảy nghiêm trọng. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 57 ca mắc bệnh lỵ; trong đó, 30 ca mắc lỵ amip, 27 ca mắc lỵ trực trùng (hay còn gọi là lỵ trực khuẩn). Mọi người đều có thể lây bệnh, trong đó trẻ em và người già dễ mắc bệnh lỵ nặng, dễ tử vong.

Bệnh nhân khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Ðiện Biên.

Chị Sùng Thị Bầu, xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên) được chẩn đoán mắc bệnh lỵ trực khuẩn, điều trị tại khoa Truyền nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Ðiện Biên). Ở nhà chị đau bụng, kèm theo mót rặn, đi ngoài trên 10 lần/ngày, phân nhầy, ăn uống kém, uống thuốc nam nhưng không đỡ. Còn anh Lò Văn Hoa, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) cũng có các triệu chứng như sốt cao, mệt mỏi, đại tiện 20 lần/ngày, bụng đau quặn, mót rặn, phân lẫn nhầy, máu, có mùi hôi tanh, ở nhà tự uống men tiêu hóa. Ðây là 2 trường hợp mắc lỵ trực khuẩn nhưng không đi khám và điều trị ngay khi có dấu hiệu ban đầu mà tự ý uống thuốc, dẫn đến tình trạng nặng khi nhập viện.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thục, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Ðiện Biên) cho biết: Ða số bệnh nhân mắc bệnh lỵ điều trị tại khoa nhập viện trong tình trạng nặng, nhiều bệnh nhân còn tự mua thuốc uống ở nhà khi chưa rõ bản thân mắc bệnh gì khiến việc điều trị càng thêm khó khăn. Nguyên nhân dẫn đến bệnh lỵ đều do thói quen ăn uống không đảm bảo và không chú ý giữ vệ sinh cá nhân. Có hai loại bệnh lỵ chính là bệnh lỵ trực trùng và bệnh lỵ amip. Bệnh lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với các vi khuẩn trong phân; qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn... Các loại côn trùng như ruồi, nhặng, gián, thạch sùng... làm lây bệnh từ bệnh phẩm sang thức ăn. Là bệnh truyền nhiễm, diễn biến lành tính nhưng dễ phát thành dịch nên mọi người cần chủ động phòng ngừa.

Bệnh lỵ trực trùng là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính do trực khuẩn Shigella gây ra. Khi mắc lỵ trực trùng, người bệnh có biểu hiện sốt cao, nhức đầu, nôn, buồn nôn, đi ngoài nhiều lần, phân không thành khuôn có nhầy và máu, đôi khi phân lỏng lờ như  máu cá. Trường hợp bị bệnh nặng có thể dẫn đến rối loạn điện giải, suy tuần hoàn, tử vong. Bệnh lỵ amip ở thể cấp tính, thời kỳ ủ bệnh kéo dài 1 - 2 tuần, có khi vài tháng. Khi khởi phát có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, thường không bị sốt hoặc nếu có cũng chỉ sốt nhẹ, người bệnh cảm thấy sức khỏe bình thường. Ðến giai đoạn toàn phát, người bệnh đau âm ỉ dọc khung đại tràng, thỉnh thoảng xuất hiện cơn đau quặn, thường ở hố chậu phải, kèm theo cảm giác buồn đi ngoài, đi xong có giảm đau nhưng nhanh chóng xuất hiện đau lại. Ði ngoài ngày từ vài lần đến chục lần, khi đi ngoài bệnh nhân không có cảm giác hết phân, do vậy bệnh nhân luôn có cảm giác buồn đi ngoài, phải liên tục rặn (mót rặn). Vài ngày đầu phân thường lỏng, sệt, có ít nhầy và ít máu; về sau phân chủ yếu là nhầy, máu. Bệnh lỵ amip dễ tiến triển thành mãn tính nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng, nếu được điều trị đúng hướng thì bệnh khỏi sau 7 - 10 ngày.

Biến chứng của bệnh lỵ rất ít, nhưng nếu có thì sẽ dẫn đến tình trạng tiêu chảy và nôn mửa thường xuyên nhanh chóng dẫn đến mất nước, có thể dẫn tới tử vong sớm ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Nếu amip lan đến gan và hình thành ổ áp xe; viêm khớp sau nhiễm trùng; hội chứng huyết tán tăng ure máu; có thể có các cơn co giật sau khi nhiễm trùng.

Ðể chủ động phòng ngừa bệnh lỵ, mọi người cần thực hiện vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống nước đã đun sôi. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh. Sử dụng nước sạch, giữ vệ sinh nguồn nước công cộng. Khi có dấu hiệu nhiễm bệnh (đau bụng, sốt) cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Nhật Minh
Bình luận

Tin khác

Back To Top