Không chủ quan với bệnh đậu mùa khỉ

15:02 - Thứ Năm, 05/10/2023 Lượt xem: 5214 In bài viết

Cả hai trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta mới đây đều khởi bệnh tại nơi cư trú, chưa có yếu tố tiếp xúc người nước ngoài hoặc đi nước ngoài trong thời gian gần đây. Theo các chuyên gia dịch tễ, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao thương du lịch dễ dàng thì nguy cơ bệnh xâm nhập vào mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ là hoàn toàn có thể.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Hai bệnh nhân phát hiện vào tháng 10-2022 đã xuất viện sau 3 tuần điều trị. Hai bệnh nhân mới nhất được phát hiện ở Đồng Nai và Bình Dương. Theo chia sẻ của bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, ngay khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ đến khám chiều 22-9, Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh đã điều tra, hội chẩn, lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và có kết quả xét nghiệm vào sáng 23-9. Với trường hợp thứ hai, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương xác minh, điều tra và lấy mẫu gửi đến Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh vào chiều tối 23-9, kết quả xét nghiệm được trả lời vào sáng 24-9. Hiện hai bệnh nhân này sức khỏe đã ổn định.

Bệnh nhân nhiễm bệnh đậu mùa khỉ tại tỉnh Bình Dương đã ổn định. Ảnh: TTXVN

Việc điều tra xác minh ca bệnh và người tiếp xúc được trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố triển khai sau khi có thông tin ca bệnh nghi ngờ mà không đợi đến khi có kết quả xét nghiệm. Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh với vai trò chỉ đạo, điều phối đã tổng hợp, kịp thời chia sẻ thông tin giữa các tỉnh, thành phố nhằm xác định các yếu tố nguy cơ, người tiếp xúc gần ban đầu để có các giải pháp xử lý hiệu quả. Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục điều tra mở rộng các địa điểm, nhóm người tiếp xúc với hai trường hợp bệnh theo phương châm "gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để xác định nguồn lây và phát hiện sớm các trường hợp bệnh khác (nếu có). Để phòng tránh dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế không chỉ với riêng bệnh đậu mùa khỉ mà còn với các bệnh truyền nhiễm khác.

Bác sĩ Lương Chấn Quang cho biết, bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ người qua người kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Mặc dù nguy cơ lây nhiễm của căn bệnh này khá cao song các chuyên gia y tế khuyến cáo cộng đồng không hoang mang và cần bình tĩnh ứng phó. Bệnh lây truyền chính qua tiếp xúc trực tiếp (bao gồm cả quan hệ tình dục), qua giọt bắn lớn. Do đó, để chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, bác sĩ Lương Chấn Quang khuyến cáo, người dân có triệu chứng sốt, phát ban cấp tính dạng mụn mủ quanh bộ phận sinh dục, lòng bàn tay, chân, thân mình, mặt, cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; đồng thời chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục. Đối với người xung quanh bệnh nhân, cố gắng tránh tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời, không tự ý điều trị.

Mọi người cần thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa cá nhân, như che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm tán phát các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top