Tìm giải pháp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi vùng khó khăn

15:19 - Thứ Sáu, 27/10/2023 Lượt xem: 5974 In bài viết

Dù liên tục được cải thiện trong vài chục năm trở lại đây, nhưng tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi và gầy còm ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn là 1 trong những mục tiêu quan trọng mà ngành y tế đang tích cực theo đuổi gắn với Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học "Suy dinh dưỡng thấp còi và gầy còm ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng khó khăn: Thực trạng và giải pháp".

Suy dinh dưỡng thấp còi và gầy còm ở trẻ dưới 5 tuổi vùng khó khăn luôn là thách thức đối với xã hội. Bởi trẻ em là tương lai của mọi quốc gia, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, nhất là ở vùng khó khăn sẽ đặt ra hàng loạt vấn đề liên quan đến sức khỏe, giáo dục, cộng đồng... mà cụ thể là năng lực trí tuệ, khả năng học tập, nguy cơ mắc bệnh mạn tính cũng như sự phát triển toàn diện ở trẻ.

Tại Hội thảo khoa học "Suy dinh dưỡng thấp còi và gầy còm ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng khó khăn: Thực trạng và giải pháp", do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức ngày 27/10 tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều thông tin, đánh giá thực tiễn, khách quan nhằm kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành liên quan xem xét tăng cường nguồn lực, cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em vùng khó khăn.

Nhiều địa phương vùng cao vẫn không có cán bộ dinh dưỡng

Dẫn một số thống kê từ các đợt Tổng điều tra Dinh dưỡng các năm 1990, 2010 và 2020, TS, BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết: từ năm 1990 đến 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ở nước ta đã giảm từ hơn 56% xuống còn hơn 19%. Trong đó, các địa phương miền núi, vùng cao, biên giới... là những nơi có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao nhất.

Thời gian qua, Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã tiến hành khảo sát về thực trạng các hoạt động dinh dưỡng đang được triển khai tại vùng khó khăn. Kết quả cho thấy, ở nhiều nơi, cơ sở y tế tuyến huyện hoàn toàn không có cán bộ chuyên trách mà chỉ kiêm nhiệm phụ trách mảng dinh dưỡng.

Đơn cử, xã Yên Cường (huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang) có dân số hơn 7 nghìn người, nhưng chỉ có 4 cán bộ làm việc tại trạm y tế xã.

Tại tỉnh Kon Tum, hiện hệ thống y tế thôn bản cũng không còn. Thay vào đó, cán bộ y tế xã là người trực tiếp triển khai các nội dung liên quan xuống từng thôn bản hoặc phải "nhờ" các trưởng bản, trưởng thôn hoàn toàn không có chuyên môn về y tế.

TS, BS Trương Hồng Sơn (áo trắng) tư vấn sức khỏe dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em vùng cao.

Tình trạng chung khiến chất lượng y tế cơ sở vùng khó khăn không cao trong triển khai các hoạt động về dinh dưỡng là việc cán bộ ít được tập huấn, đào tạo, nhất là ở tuyến xã hoặc y tế thôn bản; thường xuyên phải luân chuyển, đặc biệt là cộng tác viên về dinh dưỡng; phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc...

Bên cạnh đó, có một vấn đề đáng lo ngại khác là thực trạng thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở vật chất ở các cơ sở y tế vùng cao. Khảo sát của Viện Y học ứng dụng Việt Nam chỉ ra rằng, không ít cán bộ y tế vùng khó khăn đã bộc bạch các trăn trở về việc cơ sở y tế tuyến xã hiện không có cả những trang thiết bị cơ bản như thước gỗ tiêu chuẩn để đo chiều cao cho trẻ.

Theo Thạc sĩ Lê Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo y học ứng dụng (Viện Y học ứng dụng Việt Nam), kết quả khảo sát của Viện Y học ứng dụng Việt Nam trong 2 tháng 7 và 8/2023 ở 400 trẻ dưới 5 tuổi cho thấy: tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi tại 2 tỉnh Hà Giang và Kon Tum lần lượt là 26,5% và 25,5%.

Đối với tình trạng suy dinh dưỡng gầy còm, tỷ lệ ở 2 địa phương nêu trên lần lượt là 9% và 2,5%.

Những giải pháp cấp thiết

Tại Hội thảo, các chuyên gia dinh dưỡng, nhà khoa học đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị về giải pháp và nguồn lực nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tình trạng suy dinh dưỡng trong trẻ em hiện nay.

Có ý kiến cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng các giải pháp can thiệp phù hợp điều kiện thực tế, nhất là nguồn nhân lực và ngân sách; tăng cường nguồn lực từ Trung ương, đưa ra cơ chế hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho dinh dưỡng trẻ em và phụ nữ mang thai; đẩy mạnh tập huấn về can thiệp dinh dưỡng cho cán bộ y tế các địa phương ở cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Liên quan đến khía cạnh trang thiết bị và thuốc men, một số đại biểu đề nghị, song song với duy trì cung cấp đủ viên sắt cho phụ nữ mang thai, cần hỗ trợ sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cho trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính thông qua chi trả từ quỹ bảo hiểm y tế và huy động từ các nguồn lực xã hội.

Các chuyên gia của Viện Y học ứng dụng Việt Nam khảo sát thực tế tình trạng chiều cao, cân nặng của trẻ dưới 5 tuổi các địa phương.

Để làm được điều đó, công tác giáo dục truyền thông về dinh dưỡng cần được đẩy mạnh, nhất là trên môi trường internet và các nền tảng mạng xã hội.
Trong đó, tập trung vào việc chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai; hướng dẫn theo dõi tăng trưởng ở trẻ dưới 5 tuổi; chế độ ăn bổ sung và chế độ ăn khi trẻ mắc tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp...

Đánh giá về những nghiên cứu công bố tại Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Y tế, nhận định: mặc dù tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam đã liên tục được cải thiện trong thời gian gần đây, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và gầy còm ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là ở vùng khó khăn, vẫn là vấn đề gây băn khoăn, trăn trở.

"Các thông tin tại Hội thảo là cơ hội cùng nhìn lại thực trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng khó khăn. Từ đó, đưa ra những góp ý liên quan đến hoạt động can thiệp dinh dưỡng tại thôn bản khó khăn đi vào thực chất hơn trong bối cảnh ngân sách cho các hoạt động này còn rất hạn chế", PGS, TS Nguyễn Thị Xuyên nói.

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top