Phòng, chống bệnh đau mắt đỏ ở Nậm Pồ

09:19 - Thứ Ba, 31/10/2023 Lượt xem: 5606 In bài viết

ĐBP - Ðến ngày 23/10, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Nậm Pồ tiếp nhận 96 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ. TTYT huyện đã và đang tăng cường triển khai các biện pháp tuyên truyền, kiểm soát, phòng, chống bệnh không để lây lan rộng.

Bác sĩ Khoa Truyền nhiễm (TTYT huyện Nậm Pồ) thăm khám mắt cho bệnh nhân.

Bệnh đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) có các triệu chứng rất điển hình như: Ðỏ mắt, ngứa mắt, mắt tiết nhiều ghèn, chảy nước mắt, cảm giác có cộm trong mắt, mi mắt đau nhức, sưng nề. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và vào tất cả thời điểm trong năm, phổ biến ở trẻ em và người trẻ. Bệnh thường gia tăng vào thời điểm giao mùa (hè - thu). Do tác nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là vi rút nên bệnh rất dễ lây lan và có thể bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm vi rút hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bệnh đau mắt đỏ là bệnh lành tính, ít để lại di chứng, nhưng dễ lây lan và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động của người bệnh. Nếu phát hiện, điều trị kịp thời thì khoảng từ 7 - 10 ngày là khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu chủ quan bệnh có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc, ảnh hưởng rất lớn đến thị lực, nhất là ở trẻ em. 

Trước diễn biến phức tạp của bệnh đau mắt đỏ, TTYT huyện Nậm Pồ đã phối hợp với Phòng Y tế tham mưu UBND huyện tăng cường chỉ đạo, tổ chức tốt việc truyền thông, tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời các trường hợp mắc bệnh để triển khai biện pháp phòng bệnh; chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc và vật tư, hóa chất, thiết bị phòng chống dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế. Theo dõi, giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch bệnh đau mắt đỏ tại trường học, cơ sở y tế, các hộ gia đình, nơi tập trung đông người và cộng đồng; không để dịch lan rộng, kéo dài. Thực hiện lấy mẫu giám sát phù hợp và khoanh vùng xử lý ổ dịch theo quy định.

TTYT huyện chỉ đạo các trạm y tế phối hợp chặt chẽ với các nhà trường trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ; hướng dẫn triển khai biện pháp phòng chống dịch, vệ sinh môi trường lớp học, cơ quan và cộng đồng. Bên cạnh đó, tập huấn lại cho cán bộ y tế xã, thôn, hướng dẫn về chuyên môn trong công tác tuyên truyền, giám sát phát hiện, xử lý ca bệnh, ổ dịch đau mắt đỏ, tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn. Thường xuyên, chủ động theo dõi, đánh giá, báo cáo tình hình bệnh đau mắt đỏ để có biện pháp phòng chống hiệu quả.

Ðẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân (thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang...). Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế. Ðặc biệt, đối với địa bàn các xã vùng cao cần lưu ý, người bệnh đau mắt đỏ không nên tự ý dùng lá cây đắp mắt hay đun lấy nước rửa mắt theo cách chữa trị dân gian, vì như vậy không đảm bảo vệ sinh và có thể gây biến chứng nặng nề hơn cho mắt.

Chị Khoàng Thị Hiền, bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ chia sẻ: “Ðược sự tuyên truyền, khuyến cáo của TTYT huyện Nậm Pồ, tôi thường xuyên nhắc nhở con không dụi tay vào mắt, thường xuyên dùng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường. Sau hơn 5 ngày điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, kết hợp chế độ ăn uống phù hợp, đến nay bệnh đau mắt đỏ của con cơ bản đã lành, không xảy ra biến chứng”.

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top