Lặng thầm nơi thâm sơn cùng cốc (3)

09:33 - Thứ Sáu, 29/12/2023 Lượt xem: 7990 In bài viết

Bài 1: “Bố đỡ” của trẻ vùng cao

Bài 2: “Bác sĩ” bản!

Bài 3: Chiếc loa di động đa ngôn ngữ ở biên giới

ĐBP - Ở biên giới Nậm Pồ, đồng bào gọi Giàng Thị Dí là chiếc loa di động đa ngôn ngữ. Đơn giản vì chị là cán bộ truyền thông dân số duy nhất của huyện sử dụng thành thạo 3 thứ tiếng (Việt, Mông, Thái). Bằng chất giọng nhẹ nhàng, truyền cảm, chị Dí đã chuyển thể khéo léo nội dung truyền thông về dân số tế nhị thành câu chuyện dễ nghe, dễ nhớ và dễ ngấm với đồng bào...

“Mở cửa” lòng dân

Nậm Pồ là huyện biên giới thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, song lại là địa phương đang được đánh giá cao nhất trong thực hiện các chiến dịch truyền thông về dân số. Khi nhắc đến công tác này ở huyện, Trưởng phòng Dân số lại giới thiệu chị Giàng Thị Dí.

Nhận lời cùng chị tham gia 1 buổi truyền thông ở cơ sở, chúng tôi khá bất ngờ với hành trang mang theo của chị. Ngoài tờ rơi, thuốc tránh thai, bao cao su... là tư liệu, công cụ phục vụ công tác truyền thông quen thuộc của cán bộ dân số, chị Dí còn chở thêm 1 bao tải nhỏ đựng quần áo, bánh kẹo. Ở Phòng Dân số huyện có riêng 1 phòng dành làm kho chứa những thứ này. Cán bộ ở đây gọi đó là “phòng nhân ái”. Mỗi lần xuống cơ sở, chị Dí đều không quên ghé “phòng nhân ái” lấy đồ, chị bảo: “Bà con ở đây còn khó khăn lắm, 1 tấm áo cũ cũng quý. Sẻ chia cùng cái khó với họ thì họ cũng tự khắc mở lòng với mình, tuyên truyền gì cũng thuận!”.

Trên chiếc xe quen thuộc, chị Dí dẫn chúng tôi về bản Tân Phong 1, xã Si Pa Phìn. Đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái. Vừa đến nơi, chị ghé thăm nhà Lò Thị Thảo - một trong những hộ ký cam kết và thực hiện rất tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình, chỉ dừng ở 2 con. Theo lời Thảo kể, thì em thấy mình may mắn vì đã được chị Dí đồng hành, hỗ trợ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất khi phải chịu áp lực sinh thêm con từ gia đình chồng.

“Đó là vào năm 2016. Mặc dù vợ chồng em có 2 con rồi, nhưng ông bà muốn nhà có nhiều con, đủ nếp đủ tẻ mới có lộc. Chồng em khi ấy cũng nghe theo, nhiều lần gay gắt với vợ. Nhưng sức khỏe em yếu, điều kiện kinh tế 2 vợ chồng eo hẹp, đẻ thêm sẽ rất khó khăn. Thời gian đó chị Dí nhiều lần đi lại vừa động viên em, mặt khác cũng gặp riêng chồng em để trao đổi, khuyên bảo. Với lý lẽ hợp tình hợp lý, chồng em không những đồng ý ký cam kết không sinh con thứ 3 mà còn thương vợ hơn. Từ đó chúng em yên tâm, có điều kiện tập trung làm ăn nên kinh tế giờ đã ổn định”, Thảo kể.

Giai đoạn từ 2016 - 2023, chị Giàng Thị Dí đã vận động được 130 cặp vợ chồng ký cam kết không sinh con thứ 3 và hưởng hỗ trợ theo Nghị định 39/2015/NĐ-CP, quy định chính sách cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Trong đó, có 121 cặp hiện đang duy trì và thực hiện đúng cam kết, tuân thủ sử dụng các biện pháp tránh thai: Triệt sản, đặt vòng, uống thuốc…

Với cách kể những câu chuyện, nhân vật cụ thể, chị Giàng Thị Dí đã tăng hiệu quả tuyên truyền.

Trụ sở ở… nhà dân

Phòng Dân số huyện Nậm Pồ nằm ngay trong khuôn viên của Trung tâm Y tế huyện. Tại đây chị Dí được bố trí một phòng làm việc chung cùng các đồng nghiệp. Thế nhưng, chẳng mấy khi người ta thấy chị ở đó, ngoài những lúc phải họp hành, in ấn giấy tờ hoặc lấy đồ từ thiện. Phần lớn thời gian chị đi cơ sở, thường trực ở bản, nhà dân.

Nậm Pồ có 121 bản, đều thuộc diện khó khăn và giao thông đi lại chủ yếu là đường đất. Mùa mưa nhiều tuyến đường gần như tê liệt vì sạt lở, lầy lội. “Không thể gọi người dân về huyện mà tuyên truyền được, vì thế tôi phải đi. Địa bàn rộng, các khu dân cư sống rải rác, bà con lại bận mải đi nương, không phải lúc nào cũng tập hợp được đầy đủ để tuyên truyền nên mỗi chuyến ít cũng phải mất vài ngày. Trung bình mỗi năm tôi thực hiện từ 20 - 30 chuyến như vậy”, chị Dí chia sẻ.

Với mỗi địa bàn, dân tộc, chị Giàng Thị Dí đều tự biên soạn nội dung tuyên truyền và chuyển thể sang ngôn ngữ phù hợp.

Còn nhớ, năm 2022, trong một chuyến về cơ sở chị Dí gặp trường hợp 1 học sinh mới 13 tuổi đang trong cơn đau trở dạ. Mặc dù gia đình có đưa sản phụ đến cơ sở y tế, song vì không có thẻ bảo hiểm, phải tự thanh toán viện phí nên gia đình quyết định đưa về. Xác định đây là trường hợp đặc biệt, còn nhỏ tuổi, nguy cơ xảy ra biến chứng rất cao, chị Dí đã phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể ở cơ sở kiên trì tuyên truyền, vận động. Đồng thời kêu gọi các tổ chức xã hội từ thiện hỗ trợ kinh phí cho gia đình.

Ca mổ diễn ra thành công, 2 mẹ con sản phụ được đưa về nhà an toàn sau 3 ngày nằm viện. Sau khoảnh khắc thoáng vui, trong lòng chị Dí lại trĩu nặng bởi đến nay thực trạng tảo hôn vẫn phổ biến trong đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi ngày trôi qua, những trăn trở: “Làm thế nào thay đổi nhận thức bà con, chấm dứt thực trạng đáng buồn này? Làm sao để những đứa trẻ không phải gồng gánh trách nhiệm làm mẹ, làm vợ quá sớm?!” lại thôi thúc chị tiếp tục nỗ lực…

Phát thanh đa ngôn ngữ

Ở Nậm Pồ có đến hơn 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông và Thái. Đó cũng là 2 thứ tiếng chị Dí thành thạo ngoài tiếng phổ thông bắt buộc phải biết mới có thể đi học. Lợi thế này cũng được chị phát huy tối đa trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Nhờ đi nhiều, hiểu nhiều, chị Dí nắm bắt phong tục, tập quán mỗi dân tộc, địa bàn; hiểu tâm tư, nguyện vọng và suy nghĩ của bà con. Từ đó xây dựng chiến lược, phương pháp truyền thông phù hợp, hiệu quả. Các bài truyền thông đều được chị tự tay viết, rồi chuyển thể sang tiếng Mông, Thái cho phù hợp với mỗi địa bàn dân cư. Hình thức truyền thông cũng đa dạng, phong phú, thông qua việc tổ chức hội nghị, hoặc lồng ghép trong các buổi họp bản, khu dân cư. Nhiều chiến dịch chị thực hiện tuyên truyền thông qua hình thức loa phát thanh trực tiếp.

Ông Phạm Văn Thế, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe huyện Nậm Pồ hỗ trợ Giàng Thị Dí chuẩn bị hành trang đi cơ sở.

 

Để đạt hiệu quả cao nhất, chị Dí “mềm hóa” những kiến thức chuyên ngành, quy định pháp luật liên quan thành những câu chuyện truyền thông có hình ảnh, nhân vật cụ thể, nhằm “đánh thẳng vào tâm lý” người tiếp nhận. “Bà con mình thường khi nghe những thông tin mang tính chung chung thì không hiểu và cũng không mặn mà đâu. Chỉ khi nào họ thấy liên quan trực tiếp đến mình, thấy giống với hoàn cảnh của mình thì mới lắng nghe và dễ dàng tiếp thu. Chính những câu chuyện ghi nhận từ thực tế lại là nội dung giúp tôi truyền thông hiệu quả. Hiện nay tôi đang tập trung hướng mạnh vào đối tượng học sinh, thanh thiếu niên, nhằm nâng cao nhận thức trong nhóm này để đấu tranh với nạn tảo hôn. Đây là thách thức lớn và lâu dài, nhưng tôi nghĩ bản thân mình cứ quyết tâm, nỗ lực, cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành thì khó khăn nào cũng sẽ được hóa giải!”, chị Dí bộc bạch.

Ông Phạm Văn Thế, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe huyện Nậm Pồ đánh giá: “Do đặc thù vùng miền nên công tác dân số ở Nậm Pồ gặp rất nhiều khó khăn. Song nhờ những cán bộ năng nổ, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ như Giàng Thị Dí nên những năm gần đây đều ghi nhận kết quả tích cực. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao việc Dí thành thạo nhiều tiếng dân tộc và phương pháp tuyên truyền phù hợp, nên hiệu quả truyền thông luôn đạt cao”.

Bài 4: Tiếp sức nối dài “cánh tay” y tế

Hà Linh - Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top