Phòng tránh bệnh liên cầu khuẩn lợn

10:10 - Thứ Hai, 29/01/2024 Lượt xem: 5337 In bài viết

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Tại nhiều vùng nông thôn, miền núi, người dân thường rủ nhau mổ lợn chung để cùng nhau đón Tết. Trong ngày mổ lợn liên hoan tất niên, người dân có thói quen ăn tiết canh lấy may. Thói quen này tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn có tên Streptococcus suis gây nên, là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Thông thường, vi khuẩn liên cầu cư trú ở vùng hô hấp trên, đặc biệt là ở vùng họng, xoang mũi, hạch hạnh nhân, đường tiêu hóa và sinh dục của lợn mà không gây bệnh cho con vật. Tỷ lệ mang Streptococcus suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60-100%.

Do đó, những con lợn này trở thành lợn lành mang mầm bệnh và bệnh chỉ phát ra ở những con lợn có sức miễn dịch yếu. Hầu hết các ca bệnh liên cầu lợn là do bệnh nhân đều có giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín. Người nhiễm bệnh liên cầu lợn có biểu hiện lâm sàng chính là: Viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng ở màng trong của tim và các van tim, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết. Tỷ lệ tử vong có thể tới 7%.

Để chủ động phòng, chống bệnh liên cầu lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không sử dụng lợn chết, thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Đặc biệt, không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn khi chưa được nấu chín từ trên 70 độ C. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top