Thận trọng với thực phẩm “nhà làm”

06:30 - Thứ Ba, 06/02/2024 Lượt xem: 6209 In bài viết

Tết Nguyên đán đang đến gần khiến thị trường thực phẩm càng trở nên sôi động. Đặc biệt, lo sợ thực phẩm có hóa chất nguy hại, nên nhiều người chuyển sang chọn thực phẩm được quảng cáo là “nhà làm, nhà trồng, nhà nuôi”...

Thế nhưng, những mặt hàng thực phẩm “nhà làm” không đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, không nhãn mác, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng lại được mua, bán chủ yếu dựa vào niềm tin.

Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội xét nghiệm nhanh mẫu giò tại một cơ sở sản xuất giò chả trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Xuân Lộc

Trên các mạng xã hội như: Facebook, Zalo…, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm thực phẩm, từ những món ăn vặt đến thức ăn được nấu sẵn được giới thiệu là “nhà làm”. Thời điểm này, những thực phẩm chế biến thủ công, được rao bán nhiều nhất là giò, chả, lạp xưởng, gà ủ muối, bánh chưng, củ kiệu, khô gà/bò, các loại cá/tôm khô, bánh quy, kẹo hạnh phúc, mứt… Đối tượng chọn mua những loại thực phẩm đóng gói sẵn này chủ yếu là giới trẻ.

Đề cập đến thị trường thực phẩm “nhà làm” được rao bán nở rộ trên mạng xã hội trong dịp cận Tết, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Phạm Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm nhìn nhận, hầu hết các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh dưới dạng thực phẩm nhà làm thường không có giấy phép kinh doanh cũng như không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Việc mua bán chủ yếu dựa vào niềm tin. Do đó, đến nay, các cơ quan quản lý vẫn khó kiểm soát chất lượng của những sản phẩm này.

“Đối với các thực phẩm tự làm tại nhà được rao bán, quảng cáo online, khi chúng tôi đến kiểm tra thì những địa chỉ đó là nhà dân, còn kho bãi tập kết hàng hóa ở một địa điểm khác không thuộc địa bàn quận quản lý nên rất khó để kiểm tra và xử lý vi phạm”, bà Phạm Thị Thanh Nhàn dẫn chứng.

Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, càng thời điểm Tết, nhà nhà, người người đều tham gia vào việc sản xuất, kinh doanh đủ mọi loại thực phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dẫn đến cơ quan chức năng khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát. Do đó, việc mua, bán các sản phẩm “nhà làm” chủ yếu dựa vào niềm tin, sự quen biết lẫn nhau.

“Dù vậy, với những sản phẩm không có nhãn mác, không có kiểm định chất lượng thì chúng ta hoàn toàn đặt ra câu hỏi nghi ngờ về chất lượng. Thậm chí, mạng xã hội hiện nay cũng là nơi để các sản phẩm kém chất lượng tuồn ra thị trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh đưa ra cảnh báo.

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 7 ngày Tết Quý Mão 2023, cả nước đã có 813 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa (chiếm 0,2% trong tổng số khám, cấp cứu dịp Tết). Do đó, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, đón Tết an vui, mạnh khỏe, các chuyên gia khuyến cáo, việc tìm mua sản phẩm “nhà làm” là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, mọi người khi mua hàng nên tìm hiểu các cơ sở kinh doanh uy tín, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng. Với hình thức mua hàng online, hãy lựa chọn những tài khoản có lịch sử bán hàng lâu dài, ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín, có đăng ký, thông báo với Bộ Công Thương.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, cơ quan chức năng cần phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, trong đó có cả người mua và người bán, tạo các cuộc vận động bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong dịp Tết. Cùng với việc truyền thông, cơ quan chức năng cần phải có biện pháp quản lý hiệu quả các sản phẩm “nhà làm” được rao bán trên mạng xã hội hiện nay. Làm sao để bản thân người bán hàng phải ý thức được rằng, việc bảo vệ thương hiệu, giữ chữ tín thông qua việc cung cấp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cũng đồng nghĩa với việc bảo đảm cho việc kinh doanh lâu dài của mình.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top