Theo Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 180.000 ca mắc ung thư, trong đó hơn 120.000 người tử vong vì căn bệnh này. Theo thống kê năm 2023, chi phí điều trị cho 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (ung thư vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) từ Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) là 6.186 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí cho các bệnh mãn tính khác như đái tháo đường, tăng huyết áp lên tới con số khổng lồ là hơn 12.000 tỷ đồng, chiếm 4,9% tổng chi Quỹ BHYT. Bộ Y tế đã đề xuất BHYT chi trả cho sàng lọc một số bệnh ung thư, bệnh mãn tính và chi trả tiền thuốc BHYT mà người dân tự bỏ tiền túi ra mua.
Phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn 4 cách đây 3 năm, theo bà Phạm Văn M (65 tuổi, Vĩnh Phúc) chi phí điều trị trong suốt thời gian qua đã lên tới hơn 500 triệu đồng. “Tôi điều trị miễn dịch, giai đoạn đầu thuốc còn đắt, sau mới giảm dần. Khi thuốc miễn dịch không còn hiệu quả, tôi chuyển sang sử dụng thuốc đích, đến nay đã đổi sang thuốc thế hệ thứ 3”. Bà M cho biết thêm, do không khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, đến khi có triệu chứng sụt cân, chảy máu bất thường, đau vùng xương chậu, đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn nặng.
Người dân chờ khám tại Bệnh viện K.
Theo báo cáo đánh giá tác động chính sách trong dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Y tế cho biết, nếu sàng lọc tiểu đường type 2 sẽ tiết kiệm được cho Quỹ BHYT trung bình 162,3 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu tiên triển khai. Đồng thời, ngân sách cần chi trả cho việc điều trị các ca bệnh phát hiện từ sàng lọc là 2.089 tỷ đồng/năm. Sau 10 năm triển khai sẽ tiết kiệm được trung bình 162 tỷ đồng/năm.
Việc đề xuất BHYT chi trả sàng lọc các căn bệnh trên là phương án mở rộng thêm phạm vi quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh đối với một số bệnh, đối tượng theo danh mục do Bộ Y tế quy định căn cứ vào khả năng cân đối của Quỹ BHYT và yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, với sàng lọc tăng huyết áp, chi phí cần chi trả trung bình 88 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu tiên triển khai sàng lọc cho người từ 18 tuổi. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, ước tính sẽ cần chi trả là 27.940 tỷ đồng/năm chi phí điều trị. Sau 10 năm triển khai sẽ tiết kiệm được trung bình 1.216 tỷ đồng/năm. Với sàng lọc ung thư cổ tử cung, Bộ Y tế cho biết theo nghiên cứu công bố bởi UNFPA năm 2023, ba phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung được đánh giá tại Việt Nam, bao gồm: Xét nghiệm HPV 10 năm/lần, xét nghiệm tế bào học 5 năm/lần, vàxét nghiệm VIA 3 năm/lần. Kết quả mô hình hoá trong toàn bộ thời gian sống của quần thể cho thấy, các phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung giúp ngăn chặn 280 - 287 nghìn ca tử vong và giúp tăng thêm 7,2 – 7,4 triệu năm sống.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Việt Nam là nước top đầu ở Đông Nam Á về chi trả các thuốc, kỹ thuật xét nghiệm cho người bệnh có tham gia BHYT. Đặc biệt người bệnh ung thư có tham gia BHYT, tất cả các thuốc mới được nghiên cứu, ứng dụng tại Việt Nam đã được BHYT chi trả.
Danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT hiện được quy định tại Thông tư 20/2020/TT-BYT gồm hơn 1.000 hoạt chất/thuốc hóa dược và sinh phẩm.Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người phải bỏ tiền túi chi trả mua thuốc do bệnh viện thiếu vật tư, hoá chất. Theo báo cáo tổng kết Luật BHYT, Bộ Y tế cho biết, tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình tại nước ta chiếm khoảng 45% chi phí y tế. Một trong những nguyên nhân là do bệnh viện gặp khó khăn trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, không đủ thuốc cần thiết cho người bệnh sử dụng.
Trả lời ý kiến của cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ đang nghiên cứu xây dựng quy định cơ chế thanh toán tiền thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục BHYT chi trả mà người bệnh phải mua ngoài bệnh viện. Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm, theo quy định, cơ sở khám chữa bệnh phải bảo đảm đủ thuốc, không để người bệnh mua bên ngoài trong thời gian điều trị nội trú. Nếu để người bệnh tự mua sẽ có nhiều nguy cơ về chất lượng; rủi ro lạm dụng chỉ định hoặc bệnh nhân mua phải giá cao, khó xác định trong thanh toán.
Vì vậy, Vụ BHYT đang xây dựng thông tư bảo đảm quyền lợi cho người hưởng BHYT phải mua thuốc bên ngoài. Bộ Y tế đã lấy ý kiến cho dự thảo thông tư quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia BHYT. Theo dự thảo, người dân mua thuốc BHYT ngoài BV có thể được cơ quan bảo hiểm hoàn tiền trong khoảng 40 ngày, nếu đủ điều kiện.