ĐBP - Có nỗi đau nào hơn nỗi đau da cam? Đó không chỉ là nỗi đau về thể xác khi thứ chất độc quái ác tàn phá sức khỏe và kéo dài nhiều thế hệ, với những đứa con, đứa cháu tật nguyền. Sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự sẻ chia của cộng đồng đã làm vơi đi những thiệt thòi, giúp những nạn nhân chất độc da cam và con cháu của họ phần nào giảm bớt khó khăn, vượt qua nỗi đau da cam, ổn định cuộc sống.
Dù đã hơn 40 tuổi nhưng anh Đàm Ngọc Hưng, thôn Hưng Thịnh, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên - nạn nhân di chứng thứ 2 của chất độc màu da cam vẫn ngây ngô như một đứa trẻ. Đằng sau ánh mắt khờ dại của người đàn ông “có lớn mà chẳng có khôn” này là tội ác do chiến tranh hóa học của Mỹ để lại. Và bố anh - người lính chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng mới mất cách đây chưa tròn 2 tháng do chất độc này gây ra.
Không thể tự chăm sóc được bản thân nên từ ngày bố mất, mọi sinh hoạt của anh Hưng phải nhờ sự trợ giúp của gia đình người em gái. Thấu hiểu những đỗi đau về thể xác và tinh thần mà anh Hưng và gia đình phải chịu đựng, những ngày này, các thành viên trong Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đến thăm hỏi, động viên anh Hưng và gia đình như một sự sẻ chia làm vơi đi những khó khăn, thiệt thòi.
Nỗi đau da cam không chỉ với người tiếp xúc trực tiếp với loại hóa chất độc hại mà còn kéo dài đến cả thế hệ thứ ba, thứ tư. Ở tuổi 73, đáng lẽ phải được hưởng sự an nhàn bên các con cháu, nhưng với ông Chu Văn Hải, tổ 4, phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ thì suốt hơn 6 năm qua chưa đêm nào được ngủ yên giấc bởi một trong 9 người cháu của ông là cháu Chu Kim Chi bị ung thư máu do di chứng chất độc da cam. Chi sinh ra vốn khỏe mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng đến năm lên 2 tuổi thì bị chẩn đoán ung thư máu. Hơn 6 năm qua, vì thường xuyên phải đưa con đi điều trị tại Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương, nên mẹ của Chi đành xin nghỉ việc để dành thời gian đưa con đi chữa bệnh. Khó khăn là vậy, nhưng bản thân Chi và gia đình lại càng thiệt thòi hơn khi không được hưởng chế độ chính sách của nhà nước dành cho thế hệ thứ ba bị phơi nhiễm chất độc da cam. Đây cũng là tình trạng chung của 25 cháu là thế hệ thứ ba, thứ tư bị ảnh hưởng chất độc da cam trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 247 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Ngoài những nỗi đau về tinh thần, người bị phơi nhiễm và thân nhân phải dành thời gian để chăm sóc sức khỏe người phơi nhiễm bị bệnh tật hành hạ. Đó cũng chính là lý do khiến đời sống của gia đình nạn nhân chất độc da cam gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn.
Thấu hiểu những mất mát thiệt thòi đó, trong suốt những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong tỉnh đã nỗ lực chung tay giúp đỡ những nạn nhân da cam vượt qua khó khăn. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cá nhân đã ủng hộ hơn 450 triệu đồng hỗ trợ chăm sóc nạn nhân, gia đình nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh. Trong những ngày tháng 8 này, 225 suất quà đã được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao tận tay các hội viên trên địa bàn toàn tỉnh. Một sự hỗ trợ tuy nhỏ về vật chất, nhưng lại là sự quan tâm vô cùng ý nghĩa về mặt tinh thần, là sự sẻ chia để xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân da cam.
Những nỗi đau về di chứng của nạn nhân chất độc da cam khó nói hết bằng lời. Nhiều người vẫn nói “Nạn nhân chất độc da cam là những người khổ nhất trong những người khổ nhất, nghèo nhất trong những người nghèo nhất”. Bởi vậy, mỗi một hành động sẻ chia là một lần góp phần xoa dịu nỗi đau đối với những nạn nhân bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Càng nhiều hành động thiết thực, nhiều sự quan tâm, chia sẻ sẽ giúp nạn nhân da cam có thêm điểm tựa, thêm động lực để phấn đấu vượt qua khó khăn, hòa nhập xã hội và vươn lên trong cuộc sống.
Thu Hằng – Phạm Quang