Video

Trao “cần câu” cho lao động địa phương

Thứ Bảy, 15/10/2022 19:51 Lượt xem: 9727 In bài viết

ĐBP - Để giảm nghèo bền vững, một trong những việc làm được các cấp, ngành và địa phương quan tâm trong thời gian qua là thực hiện đào tạo nghề, tạo sinh kế, giúp người nghèo và lao động địa phương vươn lên. Thay vì phương thức hỗ trợ trực tiếp, với phương châm trao “cần câu” và dạy “cách câu”, các chương trình, chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động địa phương đã tạo cơ hội để người nghèo có điều kiện vươn lên trong xóa đói, giảm nghèo.

Sau 5 năm trở thành công nhân của Nông trường Cao su Mường Chà (Công ty CP Cao su Điện Biên) đến nay, tay nghề của anh Lò Văn Liên, bản Púng Giắt 2, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) đã khá vững. Để có những kiến thức, kỹ thuật khai thác mủ và thu gom mủ theo quy trình kỹ thuật, khi mới bước chân vào nghề anh Liên đã được công ty, nông trường quan tâm cho tham gia các lớp tập huấn, đào tạo tay nghề đến khi đạt yêu cầu mới cho lên đồi khai thác. Nhờ được “cầm tay, chỉ việc” tận tình, giờ đây anh Liên được nông trường giao cạo mủ cao su trên phạm vi diện tích 3ha. Công việc này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định để chăm lo cuộc sống gia đình được khấm khá hơn.

Hiện nay, Công ty CP Cao su Điện Biên có 3 nông trường và 16 đội sản xuất trực thuộc nông trường. Xác định để làm nên thành phẩm, sản lượng tốt thì yếu tố tiên quyết đó là chất lượng nguồn nhân lực, vì vậy với phương châm “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”, Công ty CP Cao su Điện Biên luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn. Hiện nay, Công ty đã dạy nghề và giải quyết việc làm cho trên 800 lao động địa phương, trong đó có hơn 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Đây là một trong những lớp dạy nghề trồng nấm do Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) tổ chức ở xã Hẹ Muông. Dù bận bịu với công việc đồng áng, song các học viên vẫn thu xếp thời gian tham gia học tập đầy đủ và ai cũng hứng khởi để thực hành tay nghề mới. Đó là một tín hiệu tích cực trong công tác đào tạo nghề trên địa bàn. Năm 2022 cũng là thời điểm huyện Điện Biên thực hiện khá tốt công tác đào tạo nghề cho lao động địa phương, trong đó đã phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện; Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh); Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên và Cao đẳng Nghề Điện Biên tuyển sinh gần 1.000 học viên và tiến hành triển khai mở 32 lớp dạy nghề trên địa bàn 21/21 xã trong toàn huyện.

Với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác đào tạo nghề cho lao động địa phương đã được triển khai, lan tỏa đến từng thôn, bản và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Từ đó, dần khẳng định phương châm trao “cần câu” hơn trao “xâu cá” là một trong những hướng đi đúng đắn nhằm mang lại sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác đào tạo nghề nói riêng và công cuộc xóa đói, giảm nghèo nói chung.

Phạm Quang

Back To Top