ĐBP - Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, theo phong tục của người Việt Nam, người dân lại chuẩn bị vàng mã, cá chép để làm lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời. Mỗi nhà tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh mà chuẩn bị lễ vật cúng khác nhau, trong đó cá chép là lễ vật không thể thiếu.
Tại chợ Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, ngay từ sáng sớm ngày 23 tháng Chạp, các tuyến đường ra vào chợ đều nhộn nhịp, tấp nập người mua người bán. Tại đây, tập trung buôn bán nhiều mặt hàng phục vụ ngày cúng ông Táo như cá chép đỏ, hoa quả, vàng mã... Trước các cửa hàng bán cá chép, khách lúc nào cũng rất đông. Ai cũng háo hức tìm mua những con cá chép khỏe nhất, ưng ý nhất mang về làm lễ cúng ông Táo. Với giá bán giao động từ 5.000 - 15.000 đồng/con, theo nhiều tiểu thương, giá cá chép năm nay ổn định như mọi năm.
Theo truyền thuyết, cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, mỗi gia đình người Việt thường chuẩn bị 3 con cá chép nhỏ, thả vào chậu hoặc bát nước đặt cạnh mâm cỗ để cúng. Sau khi làm lễ xong, cá chép sẽ được phóng sinh ở ao, hồ, sông, ngụ ý cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo Quân cưỡi về trời. Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, đồng thời thể hiện mong muốn một năm mới thuận lợi, bình an và may mắn sẽ tới.
Một trong những nét đẹp trong ngày thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời đó chính là hoạt động hỗ trợ người dân thả cá chép, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường của đoàn viên thanh niên trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ. Tại khu vực sông Nậm Rốm gần cầu Thanh Bình, ngay từ sáng sớm ngày 23 tháng Chạp, hàng chục em học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh đã cùng với đoàn viên thanh niên phường Mường Thanh tổ chức hỗ trợ người dân thả cá chép, nhắc nhở người dân không thả túi nilon, tro, chân nhang xuống sông Nậm Rốm; đồng thời thu gom rác thải để tránh gây ô nhiễm môi trường.
Với thông điệp “chỉ thả cá – không thả túi nilon” của tuổi trẻ đã góp phần lan tỏa và thay đổi tư duy, kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy, nhiều người dân đã nâng cao nhận thức giữ gìn môi trường sống trong hành động thả cá chép ngày ông Táo bằng việc chọn để cá vào những đồ gia dụng như: bát, hộp, chậu, xô để mang cá đi phóng sinh thay thế cho túi nilon.
Thả cá phóng sinh ngày ông Công, ông Táo vốn là nét đẹp trong truyền thống văn hóa người Việt, vừa thể hiện lòng từ bi, nhân ái; đồng thời thể hiện mong muốn một năm mới thuận lợi, bình an và may mắn sẽ tới. Và hơn hết, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, phong tục cổ truyền của dân tộc đồng hành với việc chung tay giữ gìn môi trường đã góp phần để ngày Tết ông Công, ông Táo thêm đẹp và ý nghĩa hơn.
Thu Hằng