Video

Nâng tầm nông sản Điện Biên

Thứ Sáu, 28/04/2023 13:02 Lượt xem: 6898 In bài viết

ĐBP - Để phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, việc thay đổi tập quán sản xuất của người dân có vai trò hết sức quan trọng. Thay vì canh tác quy mô nhỏ lẻ, manh mún, người dân chuyển sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa sẽ giúp nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Xác định được vấn đề cốt lõi đó, nhiều tập thể, hộ dân trong tỉnh đã có những cách làm hay, sáng tạo; mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt; góp phần nâng tầm sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Dù trồng trái vụ nhưng khoai tây Marabel ở bản Hồ Chim 2, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) phát triển khá tốt, cho năng suất cao. Những củ khoai tây to và vàng đẹp như thế này là kết quả sau gần 3 tháng thực hiện Dự án trồng khoai tây của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh tại bản Hồ Chim 2. Triển khai dự án, việc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa Hợp tác xã với một số hộ dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khoai tây đang dần hình thành; tạo ra xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp bền vững, mang lại sản phẩm nông nghiệp sạch, hiệu quả kinh tế cao.

Một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã và đang được sản xuất gắn với thị trường và tiêu thụ. Để làm được điều đó, các đơn vị, doanh nghiệp và hộ dân đặc biệt ưu tiên áp dụng công nghệ vào chế biến nông sản cung cấp cho thị trường, đảm bảo và thuận tiện cho người tiêu dùng.

Đây là công nghệ chế biến chè của Công ty TNHH Trà Phan Nhất Điện Biên. Hiện nay, công ty không chỉ sử dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào phát triển vùng nguyên liệu mà còn áp dụng công nghệ hiện đại và hệ thống máy móc trong quá trình chế biến để sản xuất sản phẩm chè chất lượng và an toàn. Sản phẩm chè của đơn vị đã được người tiêu dùng ưa thích, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Điện Biên có điều kiện thiên nhiên khá thuận lợi với những vùng đất màu mỡ đáp ứng nhu cầu sản xuất nông, lâm sản có chất lượng. Vì lẽ đó, tỉnh đã và đang phát huy thế mạnh về đất đai để phát triển các loại cây đa mục đích như: cao su, mắc ca, cà phê và các loại cây ăn quả, cây dược liệu dưới tán rừng... Nhằm thu hút đầu tư, tỉnh Điện Biên đã có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong phát triển nông nghiệp. Hiện nay, các đơn vị, doanh nghiệp không chỉ phát triển vùng nguyên liệu mà còn áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã dần khẳng định được giá trị kinh tế, cải thiện nguồn thu nhập của người dân.

Việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và kế hoạch phát triển xây dựng nông thôn mới, các đề án phát triển chăn nuôi, cây ăn quả, phát triển nông, lâm nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP… là định hướng cơ bản để Điện Biên phát triển các sản phẩm nông nghiệp và kinh tế - xã hội thời gian tới. Để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, người dân yên tâm tập trung phát triển sản xuất, tỉnh đã ban hành các kế hoạch, đề án; tiến hành rà soát các cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Ngoài các cơ chế chính sách của Trung ương, Điện Biên sẽ nghiên cứu xây dựng các chính sách, hướng trọng tâm nhằm tập trung thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào địa bàn, nhất là các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh như nông, lâm nghiệp.

Sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp và những nỗ lực của đơn vị, doanh nghiệp, hộ dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần mở ra hướng đi bền vững cho các sản phẩm nông sản có lợi thế, nâng cao giá trị sản xuất. Và hơn thế là từng bước nâng tầm giá trị nông sản, đưa sản phẩm nông nghiệp Điện Biên đến gần hơn với người tiêu dùng, vươn xa tới thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Phạm Quang

Back To Top