Video

Đổi mới, nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy

Thứ Ba, 12/09/2023 08:50 Lượt xem: 10018 In bài viết

ĐBP - Theo số liệu quản lý, toàn tỉnh hiện có gần 6.500 người nghiện ma túy và gần 1.200 người sử dụng trái phép chất ma túy. Tội phạm và tệ nạn ma túy đang là mối quan tâm sâu sắc của toàn xã hội. Trước thực tế trên, cùng với triển khai các hoạt động phòng chống thì việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều trị cai nghiện tập trung là một giải pháp quan trọng nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội.

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Điện Biên đang quản lý 530 học viên. Cùng với thực hiện đúng quy trình tiếp nhận, phân loại, thiết lập hồ sơ, bệnh án, xây dựng phác đồ điều trị, cắt cơn, phục hồi sức khỏe bảo đảm phù hợp cho từng học viên, cơ sở còn thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm với đa dạng các chủ đề: tâm lý, sức khỏe, kỹ năng sống, hướng nghiệp, giáo dục nhận biết tác hại của ma túy… Qua đó, giúp học viên xóa mặc cảm, có ý chí rèn luyện, thay đổi hành vi, từ bỏ ma túy.

Trong quy trình cai nghiện, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho học viên, cơ sở phối hợp với Thư viện tỉnh thành lập, duy trì phòng đọc sách với hàng nghìn đầu sách phong phú. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm cải thiện đời sống tinh thần, tạo điều kiện cho học viên cập nhật kiến thức; có đời sống tinh thần thoải mái, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.

Nhờ các hoạt động thiết thực phù hợp, học viên đã có những chuyển biến tích cực sau quá trình thực hiện cai nghiện tại cơ sở. Hầu hết học viên đều chấp hành tốt nội quy, quy chế của cơ sở, tích cực rèn luyện, học tập, thay đổi được hành vi nhân cách... Niềm vui của người nhà học viên mỗi dịp lên thăm, gặp đã cho thấy sự thay đổi rõ rệt đó.

Hướng tới mục tiêu cai nghiện hiệu quả và bền vững, song song với công tác điều trị, quản lý học viên, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Điện Biên còn chủ động mở các lớp dạy nghề phù hợp với trình độ và sức khỏe của học viên. Đơn cử trong thời gian này, hơn 530 học viên tại cơ sở được chia thành 3 lớp học nghề bao gồm: Đan chài, làm hàng thủ công, làm tóc giả. Quá trình học nghề, thực hành giúp học viên hiểu được giá trị của sức lao động, cũng như để khi hòa nhập cộng đồng có thể tìm kiếm việc làm, khẳng định bản thân.

Với những đổi mới trong công tác cai nghiện ma túy, những năm qua, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã góp phần giúp hàng nghìn học viên cai nghiện thành công. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau một số học viên sau cai nghiện trở về địa phương vẫn tái nghiện. Để người nghiện thực sự từ bỏ được ma túy, bên cạnh nỗ lực của cơ sở cai nghiện cũng rất cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể trong việc quản lý đối tượng sau cai, tạo điều kiện về việc làm để giúp người nghiện có thể ổn định cuộc sống lâu dài.

Điều trị cai nghiện ma túy tại cơ sở tập trung sẽ đem lại hiệu quả cao hơn cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, bởi người nghiện sẽ thoát khỏi môi trường, sự lôi kéo của những người đang sử dụng ma túy, được cai theo đúng phác đồ điều trị và có điều kiện lao động, học nghề giúp sau này ổn định cuộc sống. Thời gian tới, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hoạt động hỗ trợ điều trị, xây dựng môi trường cai nghiện ma túy “gần gũi, thân thiện”, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện trong tình hình mới.

Thu Hằng

Back To Top