Video

Chuyện học ở điểm trường lẻ Nậm Pồ

Thứ Hai, 20/11/2023 12:40 Lượt xem: 13650 In bài viết

ĐBP - Ở nơi vùng cao biên giới Nậm Pồ, có những người thầy, người cô đã gắn bó cả thanh xuân với điểm trường lẻ, với những đứa trẻ nơi núi cao rừng thẳm. Bằng tình yêu nghề, mến trẻ họ ngày ngày “cõng chữ” lên non, vun trồng những mầm xanh cho đất nước.

Hơn 13 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở Nà Bủng, đã từng phụ trách ở  những điểm bản khó khăn nhất của xã như Pá Kha, Trên Nương… Song bằng cái tâm, cái nghề, cô giáo Lò Thị Duyên vẫn luôn bám trụ vượt mọi khó khăn để mang con chữ tới những bản vùng cao. Sau khi chuyển về Điểm trường Mầm non Nà Bủng 1, dù con đường tới lớp không còn nhầy nhụa bùn đất, điểm trường được xây dựng khang trang kiên cố, nhưng không vì thế mà việc dạy học của cô Duyên và các cô giáo nơi đây bớt đi phần gian nan. Năm học này, điểm trường có 85 học sinh theo học. Các bậc phụ huynh còn bận rộn với việc làm nương, nên mọi hoạt động chăm sóc giáo dục con trẻ đều nhờ cả vào bàn tay các cô.

Cách trung tâm xã Nậm Khăn khoảng 7km, Điểm trường Tiểu học Vằng Xôn, thuộc Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Khăn hiện có 16 học sinh học lớp ghép 2 trình độ (lớp 1 và 2). Lớp học chỉ vỏn vẹn vài bộ bàn ghế nhưng được sắp xếp ngồi quay lưng lại với nhau và cô Quàng Thị Thủy là giáo viên duy nhất phụ trách điểm trường. Để dạy tốt 1 lớp 2 trình độ, cô Thủy phải hoạt động liên tục, thường xuyên phải đi lại trong lớp để điều tiết và phân phối thời gian giảng dạy cho phù hợp với 2 trình độ. Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với các điểm trường bản, dạy các lớp ghép nên giờ học tập của cô Thủy và những học trò ở điểm trường vùng cao này diễn ra khá quy củ và nghiêm túc.

Dạy học ở điểm trường, nhiều thầy cô còn kiêm luôn cả việc nấu ăn cho các em. Sẻ chia với những vất vả của các thầy, các cô nên ở nhiều điểm trường lẻ vùng cao Nậm Pồ, “đầu bếp” của điểm trường sẽ được các phụ huynh luân phiên nhau phụ trách. Thực phẩm cho các bữa trưa được nhà trường chuẩn bị, cộng thêm các loại thực phẩm khác như gạo, trứng, măng nứa, dầu ăn… được người dân mang tới ủng hộ mỗi sáng, giúp bữa ăn của các em thêm đủ đầy. Để rồi, những bữa cơm đong đầy yêu thương ấy cũng chính là nguồn động viên, giúp bước chân đến trường của học sinh vùng khó Nậm Pồ thêm vững tin hơn.

Nậm Pồ hiện có 166 điểm trường lẻ, trong đó, cấp tiểu học có 49 điểm trường và 117 điểm trường mầm non với tổng số 495 giáo viên. Việc dạy và học ở điểm trường lẻ chịu nhiều thiệt thòi hơn so với ở điểm chính khi điều kiện đi lại, ăn ở, cơ sở vật chất đều khó khăn hơn. Cũng bởi vậy, ngoài tăng cường xã hội hóa trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh, ngành Giáo dục huyện Nậm Pồ cũng chú trọng sắp xếp đội ngũ giáo viên đảm bảo cân đối giữa các điểm trường; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách để các thầy, cô có thêm động lực kiên cường trên mặt trận giáo dục, gánh vác trên vai nhiệm vụ nặng nề nhưng rất đỗi vinh quang là “trồng người” nơi biên cương của Tổ quốc.  

Vùng cao Nậm Pồ hôm nay đã vơi đi khó khăn. Nhưng với nhiều học trò thì đường đến lớp còn nhiều những gian nan. Bởi lẽ ấy mà trẻ em vùng cao luôn cần đến những mẹ hiền như cô Duyên, cô Thủy… Và các thầy, cô giáo giờ đây vẫn đang hằng ngày miệt mài bám lớp, bám bản “gieo chữ” trên non cao,  tiếp tục chắp bước cho thế hệ tương lai, rút ngắn khoảng cách vùng miền, góp phần tích cực thay đổi diện mạo về công tác giáo dục nơi vùng sâu, vùng xa gian khó.

Thu Hằng

Back To Top