Video

Tôn vinh nghệ thuật xòe Thái

Chủ Nhật, 17/03/2024 20:46 Lượt xem: 9935 In bài viết

ĐBP - Từ bao đời nay, xòe Thái gắn bó mật thiết với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội cũng như những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người Thái vùng Tây Bắc. Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2021. Trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024, Liên hoan Nghệ thuật xòe Thái lần đầu tiên được tổ chức đã trở thành sợi dây kết nối cộng đồng, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo và góp phần bảo tồn, phát huy điệu xòe mang hồn cốt đồng bào dân tộc Thái.

Tại Liên hoan, màn đại xòe mang chủ đề: Điện Biên - Điểm hẹn xòe hoa với sự tham gia của hơn 2.000 học sinh, sinh viên, nghệ nhân trên địa bàn tỉnh đã mang tới cho khán giả những ấn tượng sâu sắc về nghệ thuật xòe Thái của Điện Biên.

“Hãy xòe cùng em”, “điệu xòe thương nhau”, “vòng xòe ngày xuân”, “Điện Biên đón người”… là những tiết mục thi tại Liên hoan được trình diễn bởi 14 đội đến từ các trường THPT, trường chuyên nghiệp, phòng giáo dục huyện, thành phố, các câu lạc bộ văn hóa Thái trong tỉnh. Với sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, có sự sáng tạo về nghệ thuật xòe Thái, mỗi tác phẩm đều mang một thông điệp khác nhau tựu chung nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá di sản đã được ghi danh và công nhận.

Điện Biên - nơi dân tộc Thái chiếm hơn 35% dân số nên múa xòe đã trở thành sợi dây kết nối cộng đồng, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc. Từ bao đời nay, cộng đồng người Thái ở Điện Biên vẫn luôn gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp múa xòe với những câu ca, làn điệu ý nghĩa. Bất cứ ngày lễ, ngày hội hay có tin vui nào đó bà con dân tộc Thái đều múa xòe để lan tỏa niềm vui, kết nối cộng đồng.

Xòe Thái không chỉ có vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái mà còn là sợi dây kết nối cộng đồng, gắn bó với thiên nhiên, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc. Múa xòe đang trở thành một “sản phẩm du lịch” thu hút du khách trong nước và quốc tế tham gia trải nghiệm khi đến với Điện Biên.

“Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi”, đồng bào Thái có câu ca như vậy để nói lên ý nghĩa của điệu xòe trong đời sống sinh hoạt. Ít cuộc vui nào, ngày hội nào của người Thái lại vắng bóng điệu xòe, xưa đã thế và nay cũng vậy. Cứ như thế, đời này qua đời khác, xòe Thái luôn tưng bừng, tô đẹp sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Thu Hằng – Phạm Quang

Back To Top