Video

Kỳ vĩ thiên nhiên Tủa Chùa

Thứ Sáu, 31/05/2024 11:39 Lượt xem: 15012 In bài viết

ĐBP - Là huyện vùng cao với địa hình đồi núi cao, giao thông đi lại khó khăn, song Tủa Chùa lại được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan hoang sơ, kỳ vĩ. Cùng với sự đa dạng văn hóa các dân tộc, huyện vùng cao Tủa Chùa là địa phương giàu tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Để khai thác tiềm năng du lịch, cấp ủy, chính quyền cùng người dân địa phương đã và đang tập trung tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch; góp phần quảng bá, lan tỏa vẻ đẹp thiên nhiên và sự đa đạng về văn hóa đến với du khách gần xa.

Vịnh Hạ Long trên cạn của núi rừng Tây Bắc là tên người dân gọi các xã: Huổi Só, Sín Chải và Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) bởi khu vực này là hồ nước xanh biếc được tạo ra khi thủy điện Sơn La hoàn thành và tích nước. Trên làn nước sông Đà, du khách có cơ hội thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ khi đến với Tủa Chùa. Phong cảnh sông nước núi non hữu tình nơi đây đã thu hút người dân và du khách đến khám phá, trải nghiệm; qua đó tạo ra cơ hội, giúp người dân địa phương khai thác tiềm năng, tiếp cận với cách làm du lịch.

Nằm ở vị trí ngã ba sông giáp ranh giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh: Lai Châu và Sơn La, xã Huổi Só có tiềm năng liên kết phát triển du lịch. Ở nơi ngã ba sông này, dòng sông Đà uốn lượn, ôm quanh vách núi đá dựng đứng tạo nên một vùng vịnh trong xanh, thơ mộng với điểm nhấn là cây cầu Pa Phông bắc ngang lòng hồ. Đứng trên cầu Pa Phông phóng tầm mắt ngắm cả khu vực lòng hồ trong xanh với núi đá soi bóng vào làn nước xanh biếc. Cầu Pa Phông đã trở thành điểm đến thú vị không thể thiếu của du khách trong hành trình đến với Tủa Chùa. Không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, Huổi Só còn là vùng đất hội tụ đa dạng sắc màu văn hóa của các dân tộc. Đó là cơ hội và tiềm năng mà địa phương này đã và đang khai thác để phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm. 

Sự biến động địa chất cách đây hàng triệu năm cũng tạo ra cho huyện Tủa Chùa hệ thống hang động vô cùng hoành tráng và kỳ bí. Đến nay, hang động Khó Chua La, hang động Xá Nhè (xã Xá Nhè) và hang động Pê Răng Ky (xã Huổi Só) đã được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia với vẻ nguyên sơ vốn có.

Hang động Khó Chua La thu hút du khách khám phá với những khối thạch nhũ khổng lồ, kỳ vĩ. Từ chân núi qua những bậc đá, khung cảnh trong hang Khó Chua La hiện ra với những khối thạch nhũ rủ từ đỉnh núi xuống với nhiều hình dáng, màu sắc lấp lánh. Những khối thạch nhũ khổng lồ, độc đáo trong hang động Khó Chua La lôi cuốn, thu hút du khách thưởng ngoạn. Hang động Khó Chua La được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2015. Sau đó, huyện Tủa Chùa đã đầu tư xây dựng khu vực nhà chờ, hệ thống điện chiếu sáng để khai thác tiềm năng du lịch của hang Khó Chua La. Từ năm 2022, hang động Khó Chua La được giao cho Trung tâm Văn hóa, Truyền thanh - Truyền hình huyện Tủa Chùa quản lý và chỉnh trang không gian bên ngoài. Sự quan tâm đầu tư của địa phương kết hợp với vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng đã giúp hang động Khó Chua La nói riêng và các hang động trên địa bàn huyện Tủa Chùa ngày càng thu hút du khách đến tìm hiểu, tham quan và khám phá.

Hệ thống hang động, chợ phiên, bãi đá cổ, rừng thông… là những nét đặc trưng, các điểm du lịch nổi bật, phản ánh đầy đủ giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc ở vùng đất Tủa Chùa. Những lợi thế, tiềm năng đó đang được khai thác một cách phù hợp giúp Tủa Chùa từng bước trở thành địa phương phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc; từ đó thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến khám phá, trải nghiệm.

Theo Đề án Phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Tủa Chùa có tới 21 điểm tham quan để phát triển du lịch. Để khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch, huyện Tủa Chùa tập trung hợp tác, liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân trong huyện đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch tại các địa phương có điều kiện tương đồng, đang phát triển mạnh về du lịch, như: Sa Pa, Mộc Châu, Mai Châu, Đồng Văn... Qua đây từng bước xây dựng thương hiệu du lịch để thu hút du khách đến với Tủa Chùa.

Với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế du lịch, Tủa Chùa có điều kiện rất tốt để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa với hệ thống hang động cũng như các giá trị văn hóa đặc trưng. Cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ hòa quyện với sự đa dạng, phong phú của văn hóa các dân tộc trên địa bàn giúp huyện vùng cao Tủa Chùa trở thành vùng đất hội tụ tiềm năng du lịch khá hấp dẫn. Hy vọng rằng, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng với người dân trên địa bàn sẽ tập trung khai thác biến tiềm năng, thế mạnh thành sản phẩm du lịch, thu hút du khách trải nghiệm, khám phá, góp phần phát triển du lịch Tủa Chùa.

Phạm Quang - Thu Hằng

Back To Top