Kinh tếNgân hàng CSXH

Dư nợ tín dụng chính sách xã hội năm 2023 đạt gần 4.670 tỷ đồng

11:33 - Thứ Năm, 11/01/2024 Lượt xem: 2889 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (11/1), Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh Điện Biên tổ chức phiên họp đánh giá hoạt động năm 2023, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn chủ trì phiên họp Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh.

Năm 2023, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên đã bám sát định hướng, chủ trương và tình hình thực tế địa phương để xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn. Ban Đại diện HĐQT cấp tỉnh đã kiện toàn 2 thành viên, cấp huyện kiện toàn 15 thành viên. Ban đại diện đã tổ chức 44 kỳ họp đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Ban Đại diện HĐQT, hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, phòng giao dịch cấp huyện. Năm 2023, Ban Đại diện cấp tỉnh đã kiểm tra, giám sát 10 lượt huyện, 10 lượt xã, 10 lượt tổ tiết kiện và vay vốn, 47 lượt hộ vay vốn; Ban đại diện cấp huyện kiểm tra 592 lượt xã, 936 lượt tổ tiết kiệm và vay vốn, 4.347 lượt hộ vay vốn.

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, năm 2023 doanh số cho vay đạt 1.489,744 tỷ đồng, tăng 47,651 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, với 25.114 lượt khách hàng vay vốn. Doanh số thu nợ trong kỳ đạt 838,785 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 4.669,832 tỷ đồng, tăng 650,152 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 16,17% với 79.310 khách hàng dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,5%/tổng dư nợ. Về hoạt động ủy thác cho vay qua tổ chức chính trị - xã hội, đến 31/12/2023 đạt 4.654,038 tỷ đồng, tăng 641,989 tỷ đồng so với năm 2022. Toàn tỉnh hiện có 2.178 tổ vay vốn và tiết kiệm.

Năm 2024, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên đề ra 8 giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn.

Hội nghị đã thảo luận một số nội dung: Công tác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tại một số huyện, thị chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả; chất lượng công tác kiểm tra giám sát của Ban đại diện cấp tỉnh, huyện; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh tại các huyện Nậm Pồ và Mường Nhé; chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh năm 2024.

Để hoàn thành kế hoạch năm 2024, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh và các phòng giao dịch cấp huyện chủ động tham mưu cho ban đại diện cùng cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phân loại các đối tượng vay vốn trên địa bàn để hạn chế thấp nhất tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn và nợ khoanh. Tăng cường công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội; đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên; quản lý tốt hoạt động ủy thác cho vay.

Tin, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top