Một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ

09:01 - Thứ Ba, 13/12/2022 Lượt xem: 5981 In bài viết

Ngoài chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, hạ sĩ quan, binh sĩ (HSQ, BS) khi xuất ngũ được hưởng trợ cấp xuất ngũ một lần (cứ mỗi năm phục vụ trong Quân đội được trợ cấp bằng hai tháng tiền lương cơ sở).

Ảnh minh họa: qdnd.vn

HSQ, BS phục vụ tại ngũ thời hạn đủ 30 tháng, khi xuất ngũ được trợ cấp thêm hai tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng; trường hợp xuất ngũ trước thời hạn 30 tháng thì thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 25 đến dưới 30 tháng được trợ cấp thêm một tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng. HSQ, BS hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ theo quy định được trợ cấp tạo việc làm bằng 6 tháng tiền lương cơ sở. Khi xuất ngũ, HSQ, BS được đơn vị tổ chức buổi gặp mặt chia tay, mức chi 50.000 đồng/người; được đơn vị tiễn và đưa về địa phương nơi cư trú theo quy định hoặc cấp tiền tàu, xe (loại phổ thông) và phụ cấp đi đường từ đơn vị về nơi cư trú.

Nếu HSQ, BS trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học tại các trường đó. Trường hợp HSQ, BS hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, khi xuất ngũ nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9-7-2015 của Chính phủ, quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

HSQ, BS trước khi nhập ngũ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội thì khi xuất ngũ, cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ; trường hợp cơ quan, tổ chức đó đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp. Trường hợp cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp đó đã giải thể hoặc không có cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp thì sở lao động-thương binh và xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan cùng cấp để giải quyết việc làm.

HSQ, BS trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế thì khi xuất ngũ, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ; trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với HSQ, BS xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành; cơ quan BHXH địa phương nơi tổ chức kinh tế nói trên đóng BHXH chịu trách nhiệm thanh toán chế độ BHXH theo quy định hiện hành.

HSQ, BS được tiếp nhận vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, tổ chức, các cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế được xếp lương theo công việc đảm nhiệm, thời gian phục vụ tại ngũ được tính vào thời gian công tác và được hưởng chế độ, chính sách theo quy định hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ sở kinh tế đó. HSQ, BS xuất ngũ theo quy định tại khoản 1 Điều 43 và khoản 1 Điều 48 Luật Nghĩa vụ quân sự, khi về địa phương được chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức ưu tiên sắp xếp việc làm và cộng điểm trong tuyển sinh, tuyển dụng công chức, viên chức; trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo.

Ngoài ra, khi hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì HSQ, BS còn được cấp thẻ học nghề bằng 12 tháng lương cơ sở và 1 túi quà Tết Nguyên đán theo hướng dẫn của Cục Tài chính (Bộ Quốc phòng).

Theo QĐND
Bình luận
Back To Top