Lan rộng văn hóa đọc trong Lữ đoàn 131

16:25 - Thứ Năm, 20/04/2023 Lượt xem: 7078 In bài viết

Sách, báo, tạp chí là tri thức, kênh thông tin bổ sung kiến thức cho mỗi người. Khuyến khích bộ đội, nhất là chiến sĩ đọc sách vào ngày nghỉ, giờ nghỉ là một trong những nội dung được Lữ đoàn 131 (Quân chủng Hải quân) quan tâm và triển khai thực hiện với nhiều cách làm hay, góp phần giáo dục, định hình nhân cách quân nhân.

Sách, báo, tạp chí là tri thức, kênh thông tin bổ sung kiến thức cho mỗi người. Khuyến khích bộ đội, nhất là chiến sĩ đọc sách vào ngày nghỉ, giờ nghỉ là một trong những nội dung được Lữ đoàn 131 (Quân chủng Hải quân) quan tâm và triển khai thực hiện với nhiều cách làm hay, góp phần giáo dục, định hình nhân cách quân nhân.

Những mô hình được thiết lập

Có dịp đến Lữ đoàn 131 vào ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi mới thấy được niềm ham thích đọc sách, báo, tạp chí của cán bộ, chiến sĩ (CBCS). Dưới bóng cây, giờ nghỉ, hàng ghế đá nào cũng có người ngồi chăm chú, nghiền ngẫm một cuốn sách, hay những tờ báo. Binh nhì Nguyễn Duy Dương, chiến sĩ Trung đội 2, Đại đội 2, Tiểu đoàn 881 lật giở từng trang, chăm chú xem từng hình ảnh minh họa trên cuốn sách “Danh nhân quân sự Việt Nam”.

Nhờ say mê đọc sách, tìm hiểu về các danh nhân, giá trị truyền thống văn hóa lịch sử, Dương nhớ nhiều chi tiết về những danh nhân, như: Ngô Quyền, Nguyễn Trung Trực, Võ Nguyên Giáp… Dương bày tỏ: "Trước đây em ít đọc sách, nếu đọc thì chủ yếu là xem truyện tranh. Ở đơn vị, em đọc thêm một số sách về lịch sử, văn hóa, thấy rất hay. Em đọc sách trước lúc đi ngủ, rồi những ngày cuối tuần và giờ đã thành quen". Binh nhất Vũ Văn Kiệt, chiến sĩ Trung đội 3, Đại đội 8, Tiểu đoàn 883 thì tâm sự: “Ngày còn học phổ thông em cũng rất thích đọc sách nhưng ít có điều kiện đọc, vào bộ đội, em có cơ hội tiếp cận với cả kho sách, báo phong phú. Những ngày nghỉ, giờ nghỉ, em cùng đồng đội dành thời gian đến phòng đọc để nghiên cứu tích lũy kiến thức, nâng cao hiểu biết, bắt nhịp với sự phát triển của xã hội”.

Chiến sĩ Lữ đoàn 131 giới thiệu sách.

Để xây dựng thói quen đọc sách thành nền nếp, thời gian qua, Lữ đoàn 131 đã triển khai nhiều mô hình, như: “Sách ở đầu giường chiến sĩ”, “câu lạc bộ đọc sách, báo”; “Sách theo chân bộ đội ra thao trường”… Trong đó, mô hình “Mỗi tuần một cuốn sách" được tổ chức hiệu quả, từng bước hình thành văn hóa đọc ở đơn vị, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, nâng cao hiểu biết, đồng thời giáo dục ý thức, trách nhiệm cho bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ.

Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục cho CBCS về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách. Lữ đoàn chỉ đạo đoàn thanh niên làm nòng cốt phát động sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động phong phú trong sưu tầm sách, đọc sách và bình sách...

Chọn sách trong thư viện.

Điểm nhấn của mô hình là mỗi tuần lựa chọn một cuốn sách hay để giới thiệu trong chương trình truyền thanh nội bộ và mục “Sách hay mỗi ngày” trên trang Facebook của đơn vị, nhằm định hướng cho bộ đội đăng ký mượn, đọc sách tại thư viện. Một kết quả tích cực là từ khi triển khai mô hình đến nay, đã có hơn 1.000 lượt CBCS đăng ký mượn, đọc hơn 600 lượt cuốn sách ở nhiều thể loại. Thiếu tá Triệu Quang Tiệp, trợ lý Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Lữ đoàn 131 cho biết: “Mỗi tuần một cuốn sách” là mô hình có ý nghĩa thiết thực, thu hút nhiều CBCS đọc sách. Đặc biệt, mô hình đã định hướng cho đội ngũ sĩ quan trẻ và chiến sĩ biết lựa chọn những tác phẩm có nội dung hay để đọc, nghiên cứu, qua đó mở rộng kiến thức, hiểu biết về mọi mặt đời sống xã hội".

Đáp ứng tốt nhu cầu đọc của bộ đội

Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đọc sách báo của CBCS, Lữ đoàn đã quan tâm tu sửa Phòng Hồ Chí Minh, xây dựng, củng cố khuôn viên, "nhà sinh hoạt đồng đội", "phòng học xanh", "tủ sách pháp luật", "ngăn sách pháp luật"... để bộ đội có không gian đọc sách thoải mái, gần gũi. Hiện nay đơn vị có hơn 12 "phòng học xanh", "khuôn viên xanh" đem lại hiệu quả cao trong học tập, huấn luyện.

Phát huy nội lực, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng được gần 15 “nhà chòi đồng đội”. Nhà hình vuông, lợp lá cọ, mỗi nhà có một bộ bàn ghế đá, cây xanh xung quanh và vườn hoa, đặc biệt có một giá sách nhỏ bày biện các đầu sách, báo được cấp phát theo quy định cùng những lời dẫn thuyết minh các thông tin tuyên truyền theo định hướng. Đó là nơi vừa để cán bộ cấp trên chuyện trò, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của bộ đội vừa là điểm dừng chân để bộ đội đọc sách báo, nghe đài mỗi ngày.

Cứ đến Ngày sách Việt Nam (21-4) hằng năm, thư viện Lữ đoàn trưng bày nhiều gian sách, báo, tạp chí để bộ đội tham quan, tìm đọc. Chiến sĩ theo từng phân đội luân phiên tham dự, sau đó viết bài thu hoạch. Vì thế, ngày hội đọc sách có sức lan tỏa rất lớn, góp phần xây dựng và nâng cao văn hóa đọc cho mỗi CBCS. Còn sách ở Phòng Hồ Chí Minh thì được cấp phát, bổ sung, thường xuyên luân chuyển giữa các tiểu đoàn, bộ đội luôn có sách mới để đọc, không bị nhàm chán, đơn điệu.

Đọc báo trong ngày nghỉ, giờ nghỉ.

Thượng tá Bùi Đức Thông, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 131 nhấn mạnh: Để việc đọc sách báo của bộ đội hiệu quả thì vai trò của người đứng đầu các cấp rất quan trọng. Phát huy tinh thần làm trước, nêu gương, đội ngũ cán bộ các cấp trong đơn vị đều tích cực tìm đọc các loại sách, báo để tự bồi dưỡng kiến thức, thông tin. Thực tế giờ giải lao trên thao trường không dài nên để tổ chức hiệu quả, trước mỗi giờ đọc báo sách, cán bộ chính trị cấp đại đội thường đọc trước để chọn lọc những thông tin thời sự, đúng định hướng để truyền đạt cho bộ đội nghe.

Đọc sách báo giúp bộ đội có thêm kiến thức, bồi đắp đời sống tinh thần, từ đó nâng cao ý thức, kỷ cương, hạn chế tiếp xúc với những tệ nạn xã hội bên ngoài, là động lực để thi đua, luyện rèn, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top