Trên hải trình đưa đoàn công tác đi thăm, kiểm tra quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) vừa qua, bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, cán bộ, thủy thủ Tàu 016- Quang Trung, Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân đã kết hợp thực hiện công tác huấn luyện đường dài trên biển. Đây là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu sát với thực tiễn nhiệm vụ của đơn vị.
“Reng… reng… reng”. Ngay sau khi ba hồi chuông dài vang lên là lệnh của thuyền trưởng được truyền đi từ đài chỉ huy: “Toàn tàu báo động chiến đấu. Các ngành báo cáo quân số về đài chỉ huy”. Nhận lệnh từ đài chỉ huy, cán bộ, thủy thủ toàn tàu nhanh chóng có mặt tại từng ngành, các vị trí, bảng bố trí chiến đấu để nhận nhiệm vụ. Ngành 1, ngành 2…. báo cáo đã làm công tác chuẩn bị xong, quân số N đồng chí, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu…
Tiếp đó là hai hồi chuông dài cùng khẩu lệnh chỉ huy của Trung tá Vũ Trọng Tân, Thuyền trưởng Tàu 016 vang lên: “Báo động chiến đấu cấp 1. Toàn tàu báo động chuẩn bị công kích tên lửa”. Không khí khẩn trương bao trùm từ đài chỉ huy cho tới các vị trí chiến đấu toàn tàu. Từ trưởng ngành tới từng thủy thủ đảm nhiệm từng vị trí đều tập trung cao độ. Thuyền trưởng Vũ Trọng Tân liên tục tiếp nhận và xử lý linh hoạt, chính xác tất cả những thông tin báo cáo về từ các ngành chuyển về để chỉ huy đơn vị huấn luyện chiến đấu theo đúng khoa mục, kế hoạch.
Là con tàu thế hệ mới, được trang bị nhiều loại vũ khí trang bị, khí tài hiện đại nên nhiệm vụ huấn luyện làm chủ để khai thác, sử dụng vũ khí có hiệu quả là một trong những tiêu chí quan trọng được tập thể tàu lấy làm mục tiêu trong huấn luyện. Thiếu tá Bùi Trọng Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tàu 016 cho biết: “Trong nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ hằng năm, Đảng ủy, chỉ huy tàu luôn xác định huấn luyện chiến đấu, làm chủ VKTBKT, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, đảm bảo an toàn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm nâng cao sức mạnh tổng hợp của đơn vị. Từ chỉ huy đến các ngành đều phải xây dựng kế hoạch trên các mặt công tác và được phê duyệt theo phân cấp để làm cơ sở cho đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ”.
Bám sát sự chỉ đạo của lữ đoàn, toàn tàu tổ chức huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành làm chính. Nhiều cách làm hay, hiệu quả đã được tàu áp dụng nhằm nâng cao chất lượng trong công tác huấn luyện, như kết hợp giữa lý thuyết và thực hành; kết hợp huấn luyện tại bến và đi biển đường dài; huấn luyện bổ sung, huấn luyện thay thế vị trí; lồng ghép các nội dung, chỉ tiêu các phong trào với quá trình tổ chức huấn luyện.
Cũng theo thuyền trưởng Vũ Trọng Tân, trong quá trình huấn luyện thực hành, tàu đều huấn luyện theo phân cấp, cấp trên huấn luyện cấp dưới, các vị trí trưởng huấn luyện cho các vị trí trong ngành, người đi trước có kinh nghiệm nhiều sẽ huấn luyện cho người vừa mới về tàu chưa có nhiều kinh nghiệm. Tàu cũng phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ tàu, cán bộ ngành trong việc kiểm tra, đôn đốc, uốn nắm luyện tập cho quân nhân tại các vị trí, các bảng bố trí chiến đấu. Sau khi đã huấn luyện thành thục theo phân cấp thì tàu sẽ huấn luyện nâng cao trình độ lên. Đó là huấn luyện thay thế theo vị trí, chức trách, nhiệm vụ để sẵn sàng thay thế nhau khi tàu đi biển, đảm bảo toàn tàu luôn hoạt động ổn định. Đến nay đã có nhiều quân nhân của tàu đã được huấn luyện thành thạo từ 1 đến 3 vị trí để sẵn sàng bổ sung, thay thế các vị trí khi quân số thiếu, vắng do đi công tác, nghỉ phép.
Chứng kiến nhiều buổi huấn luyện đường dài trên biển (cả ban ngày và ban đêm) trong suốt chuyến hành trình, chúng tôi càng khâm phục và vững tin về sức trẻ, cường độ làm việc cao, đặc biệt là trình độ chuyên môn của cán bộ, thủy thủ Tàu 016. Bởi vì không như huấn luyện tại bến, huấn luyện đi biển đường dài là mức huấn luyện cao, nhiều thử thách, bởi họ vừa thực hiện nhiệm vụ đưa, đón đoàn công tác thực hiện đúng kế hoạch, đảm an toàn hàng hải, vừa thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.
“Huấn luyện đường dài giúp cho cán bộ, chiến sĩ làm quen với các tình huống thực tế nhiệm vụ. Đối với những sĩ quan trẻ như chúng tôi khi được huấn luyện đường dài không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn, sức chịu đựng mà còn thông thạo các luồng lạch, xác định được độ sâu đáy biển, xác định được vị trí neo tàu tại các vùng biển, đảo xa bờ. Đây là điều kiện thuận lợi giúp đội ngũ cán bộ trẻ nhanh chóng trưởng thành, tích lũy kinh nghiệm qua những chuyến đi biển đường dài như thế này”, Trung úy Vũ Văn Tiến, Tập sự Trưởng ngành 1, Tàu 016 chia sẻ.
Không chỉ có Vũ Văn Tiến mà nhiều cán bộ, thủy thủ Tàu 016 khi trao đổi với phóng viên, họ đều tự tin, tự hào vì được học tập, công tác ở con tàu mang tên vị hoàng đế với những chiến công hiển hách trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Sự vững tin của từng cán bộ, thủy thủ sẽ giúp cho cả tập thể tàu luôn đoàn kết, không ngừng phấn đấu để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao.