Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Dấu ấn từ một quyết định đột phá (kỳ 4)

09:34 - Thứ Hai, 26/09/2022 Lượt xem: 5072 In bài viết

Kỳ 4: Giải pháp cho chặng đường dài

ĐBP - Dù đã đạt được kết quả ban đầu đáng mừng,“bén rễ” nhanh vào đời sống nhân dân song hoạt động của một số tổ dân vận cơ sở (DVCS) theo đánh giá của Huyện ủy Nậm Pồ là chưa phát huy tối đa năng lực, sở trường. Để duy trì và phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các tổ DVCS, tạo đà cho công tác dân vận khởi sắc, ngoài những cách làm mới, sáng tạo từ thực tiễn đời sống, Huyện ủy Nậm Pồ đã đề ra những giải pháp căn cơ, hữu hiệu, phù hợp với thực tiễn cơ sở, tạo hiệu ứng tích cực cho chặng đường tiếp theo.

Kỳ 1: Phát huy vai trò "cầu nối" ý Đảng - lòng dân

Kỳ 2: Hoạt động gắn với cơ sở

Kỳ 3: Khó khăn từ thực tiễn

Tổ DVCS bản Ngải Thầu 2, xã Nà Bủng triển khai nhiệm vụ.

Ý tưởng từ thực tiễn

Với phong cách làm việc “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; 8 tháng qua các tổ DVCS đã thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của người dân ở những bản vùng cao, biên giới. Xuất phát từ thực tiễn cơ sở, phong tục tập quán nơi mình đến, các tổ DVCS đã thu thập thông tin toàn diện về đời sống, xã hội, khả năng phát triển các mô hình kinh tế... Từ đó, đề ra những ý tưởng mới, sáng tạo, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng cơ sở ổn định về chính trị, mạnh về kinh tế, gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

Từ trung tâm xã Chà Tở, sau gần 30 phút đi xe máy chúng tôi có mặt ở bản Nậm Củng - ngôi làng yên bình với những căn nhà sàn cổ kính nằm san sát, mái ngói đỏ tươi; những thửa ruộng bậc thang đang mùa lúa chín rộ, vàng ươm. Đây là bản duy nhất của xã Chà Tở không còn hộ nghèo. Dẫn chúng tôi “mục sở thị” bản, ông Nguyễn Văn Tiếp, Trưởng phòng Nội vụ huyện Nậm Pồ - Tổ trưởng Tổ DVCS bản Nậm Củng dường như đã quen thuộc từng ngõ ngách, từng ngôi nhà, người dân.

Ông Tiếp chia sẻ: Cả bản Nậm Củng hiện có 49 hộ, 259 nhân khẩu. Ngay sau khi tiếp cận địa bàn, thành viên Tổ DVCS đã tiến hành họp với chi bộ, chính quyền bản; các thành viên tỏa về các hộ gia đình tìm hiểu những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng về mọi mặt đời sống của bà con. Từ đó đề ra những ý tưởng, sáng kiến, cụ thể hóa nguyện vọng của bà con thành những mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổ đã xây dựng ý tưởng và triển khai thành công mô hình nuôi ong (38 hộ, 112 tổ ong); phát triển cây sa nhân dưới tán rừng; cùng với bà con chăm sóc bảo vệ 9.716ha rừng (diện tích được chi trả dịch vụ môi trường rừng là 657,6ha).

Đặc biệt, từ lợi thế địa hình rộng, nhiều bãi chăn thả, Tổ đã vận động nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa kết hợp xây dựng chuồng trại nuôi nhốt, chăn thả có người trông coi. Đồng thời, tận dụng diện tích đất đồi hoang hóa, khô cằn để cải tạo trồng cỏ voi đảm bảo nguồn thức ăn dồi dào cho đàn gia súc. Hiện toàn bản có 15/49 hộ nuôi từ 10 con gia súc trở lên.

Không riêng gì Tổ DVCS bản Nậm Củng mà nhiều tổ DVCS từ thực tiễn thôn, bản đã xây dựng và hình thành nhiều ý tưởng sáng tạo, tư duy mới trong đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ đường biên cột mốc; đặc biệt tạo “cú hích” để các thôn bản vươn lên phát triển kinh tế, ổn định sản xuất, hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tập trung. Điển hình như Tổ DVCS tại các xã: Na Cô Sa, Nậm Nhừ, Nậm Chua, Nà Bủng, Vàng Đán tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân khai hoang ruộng nước, ruộng bậc thang, khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất; Tổ DVCS bản Huổi Hoi, xã Nà Hỳ vận động trên 30 người đi lao động tại các khu công nghiệp...

Người dân bản Mốc 4, xã Nậm Tin thực hiện mô hình trồng lạc.

Vững tâm cho chặng đường dài

Xác định nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ DVCS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tăng cường xây dựng đảng, chính quyền tại cơ sở. Từ những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai của các tổ DVCS, Huyện ủy Nậm Pồ đã tiếp tục xây dựng, củng cố các tổ DVCS vững từ “móng”; vận dụng sáng tạo, linh hoạt các giải pháp trong quá trình triển khai cho chặng đường tiếp theo.

Ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ chia sẻ: Trước nhất, các tổ DVCS phải tăng cường, thường xuyên trực tiếp xuống cơ sở, gần dân, sát dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận toàn dân vững chắc; đồng thời tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tại các bản, đem lại niềm tin của nhân dân với cấp uỷ, chính quyền các cấp. Đối với các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, Huyện uỷ viên được giao phụ trách tổ DVCS ở các địa bàn, tổ trưởng, tổ phó các tổ cần phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ đảm bảo đúng quy chế hoạt động. Đặc biệt, là địa bàn biên giới, các tổ DVCS cần tranh thủ sự ủng hộ và phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ trong tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới; giữ gìn an ninh, trật tự thôn bản, phòng chống tội phạm, di dịch cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật.

Hiện nay 121 tổ DVCS hoạt động ở các bản vùng cao, biên giới, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là chưa có mô hình sản xuất phù hợp, sản phẩm làm ra chủ yếu tự cung, tự cấp. Vì vậy, Huyện ủy yêu cầu các tổ DVCS ngoài những mô hình kinh tế đã triển khai hiệu quả, trên cơ sở thực tiễn đời sống, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu xây dựng ít nhất mỗi bản một mô hình kinh tế, sản xuất bền vững. Tích cực phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện vận động nhân dân thay đổi tư duy, tập quán sản xuất lạc hậu bằng việc triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung phát triển cây, con có thế mạnh ở địa phương gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục khơi gợi, vận động xã hội hoá, hỗ trợ các gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, gặp tai nạn rủi ro trong lao động sản xuất...

Khép lại chặng hành trình sau nhiều ngày lăn lộn, vượt qua những cung đường hiểm trở, dốc đá dựng đứng cùng tổ DVCS về với bà con, với bản làng heo hút, lưng chừng núi... chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn “dấu ấn” của các tổ DVCS, những cây cầu nối “ý Đảng - lòng Dân”. Từ thực tiễn ở huyện biên giới Nậm Pồ cho thấy, nếu làm tốt công tác dân vận sẽ “được cho dân, được cho cả bộ máy”. Bởi vậy, dù có gian khổ, nhưng với họ - 121 tổ DVCS phần thưởng lớn nhất, chính là sự đoàn kết, gắn bó và chung một lòng hướng về Đảng, về Bác, về sự đổi thay, xây dựng và phát triển kinh tế của mỗi người dân ở những bản mường vùng cao. Từ đó, tạo tâm thế ổn định, vững chắc cho chặng đường phát triển trong thời gian tới nơi biên cương Nậm Pồ.

“Huyện ủy yêu cầu các tổ DVCS ngoài những mô hình kinh tế đã triển khai hiệu quả, trên cơ sở thực tiễn đời sống, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu xây dựng ít nhất mỗi bản một mô hình kinh tế, sản xuất bền vững…” – Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ Lê Khánh Hòa nói.

Bài, ảnh: Diệp Chi -  Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top