Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Dấu ấn từ một quyết định đột phá (kỳ 3)

07:28 - Chủ Nhật, 25/09/2022 Lượt xem: 6278 In bài viết

Kỳ 3: Khó khăn từ thực tiễn

ĐBP - Các tổ DVCS được Nậm Pồ xem là “cánh tay nối dài của cấp ủy” để lắng nghe ý kiến tâm tư của dân. Dẫu vậy, đây vẫn còn là một mô hình khá mới, duy nhất có tại Nậm Pồ nên trong quá trình vận hành không tránh khỏi những hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Nhìn lại quá trình hơn 8 tháng vừa qua, Huyện ủy Nậm Pồ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra những điểm mấu chốt đó để hoạt động của các tổ DVCS trơn tru hơn trên chặng đường tiếp theo…

Kỳ 1: Phát huy vai trò "cầu nối" ý Đảng - lòng dân

Kỳ 2: Hoạt động gắn với cơ sở

Tuyến đường đất lên bản Mốc 4, xã Nậm Tin hễ trời mưa là trơn như đổ mỡ.

Từ thực tiễn cơ sở...

“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” - đó là lời dạy của Hồ Chủ tịch mà mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần và hiểu cặn kẽ, dù ở vị trí, cương vị công tác nào. Đồng thời đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên trực tiếp làm công tác dân vận phải có chuyên môn, tâm huyết, am hiểu thực tế, có sự đồng cảm và sẻ chia với đồng bào nơi mình đến. Thực tế cho thấy, qua hơn 8 tháng hoạt động, các tổ DVCS trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã từng bước đi vào nền nếp. Hầu hết các tổ đã nắm chắc tình hình địa bàn, sâu sát với cơ sở, xây dựng kế hoạch giúp đỡ các bản với những nội dung cụ thể, phù hợp. Qua đó, đã góp phần tuyên truyền, phổ biến một số chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với người dân; tạo chuyển biến bước đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự, nâng cao đời sống của nhân dân; đem lại sự tin tưởng của nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp.

Tuy nhiên, là huyện miền núi biên giới, Nậm Pồ có xuất phát điểm kinh tế thấp, trình độ dân trí lạc hậu, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Bởi vậy, hoạt động của tổ DVCS cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Như tại bản Mốc 4 xã Nậm Tin là một trong những bản vùng cao, khó nhất của huyện Nậm Pồ. Đây là nơi sinh sống của 101 hộ dân với 460 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông. Chưa có điện lưới quốc gia, đường lên bản Mốc 4 còn là đường đất nhỏ hẹp, vào mùa mưa để di chuyển vào bản phải mất 1 - 2 tiếng đồng hồ.

Bà Trần Thị Yến, Tổ trưởng Tổ DVCS bản Mốc 4 chia sẻ: “Ngoài những vất vả về đường sá, đi lại thì thời gian đầu khi mới tiếp cận bà con cũng có nhiều khó khăn. Một phần vì các hộ dân ở cách xa nhau, phần khác là họ đi làm nương vào ban ngày nên việc gặp gỡ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của bà con phải tiến hành vào buổi tối. Thêm nữa, điều khó nhất là bà con vẫn giữ thói quen, tư duy cũ. Ví dụ như trong việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 vừa qua, nhiều người dân nhận thức chưa đầy đủ nên phải đến tận nhà tuyên truyền, vận động. Khi hiểu ra vấn đề thì lại hỗ trợ họ đến điểm tiêm. Bây giờ thì mọi việc cơ bản ổn định rồi. Vừa qua, Tổ cũng kết nối, hỗ trợ mô hình trồng lạc để bà con phát triển kinh tế; kêu gọi thắp sáng con đường bằng năng lượng mặt trời cho bản; kêu gọi xã hội hóa tổ chức hoạt động trung thu… Vừa huy động tập hợp bà con tham gia, tạo khối đoàn kết vừa nâng cao đời sống cho người dân trong bản”.

Ông Cháng A Dè, Tổ phó Tổ DVCS bản Ngải Thầu 2, xã Nà Bủng chuyện trò với người dân bản Ngải Thầu 2.

Còn tại bản Ngải Thầu 2, xã Nà Bủng, dù là địa phương sát biên giới nhưng giao thông đi lại không phải là vấn đề cản bước những cán bộ tổ DVCS đến với bà con. Hơn 8 tháng trước, ông Cháng A Dè, Chủ tịch HĐND xã Nà Bủng được giao thêm nhiệm vụ làm Tổ phó Tổ DVCS bản Ngải Thầu 2. Là người con của vùng cao nên tuyến đường lên Ngải Thầu 2 có quanh co, dốc đứng cũng không làm khó được tay lái của người đàn ông dân tộc Mông này. Thế nhưng, khi ông cùng các thành viên trong Tổ tiếp cận với cơ sở thì lại nảy sinh một khó khăn khác. “Mỗi tổ DVCS được hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng để hoạt động. Thế nhưng số tiền đó chỉ đủ mua bánh, kẹo, nước uống… để tổ chức họp với bà con thôi. Còn các hoạt động khác, anh em trong tổ đang phải tự đóng góp thêm. Hiện nay, mỗi tháng thành viên trong tổ góp 500 nghìn đồng/người, nếu thiếu thì lại đóng thêm. Nhiều khi về thăm bà con, anh em trong tổ cũng muốn tổ chức bữa cơm giao lưu để thắt chặt thêm tình đoàn kết. Tất nhiên là chưa thể mời hết cả bản nhưng cũng phải mời trưởng nhóm đạo, trưởng bản tới dự cùng. Thế nên giờ đây, hầu như các thành viên tổ DVCS đều đang “hi sinh” một phần quyền lợi của mình…” – ông Cháng A Dè cho biết.

...đến thẳng thắn nhìn nhận

Khi nhìn nhận, đánh giá hoạt động của các tổ DVCS trong 8 tháng vừa qua, Huyện ủy Nậm Pồ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần khẩn trương khắc phục. Đó là một số đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, Huyện ủy viên chưa tập trung chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các tổ DVCS thuộc địa bàn được giao phụ trách; việc đôn đốc, hướng dẫn của cơ quan thường trực - Ban Dân vận Huyện ủy Nậm Pồ chưa thường xuyên, còn nhiều lúng túng.

Trong khi đó, dù đã có nhiều thay đổi nhưng nhận thức của không ít thành viên các tổ DVCS chưa đầy đủ về trách nhiệm, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận cũng như hoạt động của tổ mình nên chưa bố trí thời gian tham gia đầy đủ các hoạt động. Bởi vậy, hoạt động của một số tổ DVCS chưa đồng đều; không ít tổ hoạt động chưa hiệu quả, chưa bám sát vào nhiệm vụ chính trị của huyện để triển khai, thực hiện hoặc chưa có kế hoạch cụ thể, phù hợp với địa bàn được giao phụ trách; thực hiện chưa đảm bảo quy định về chế độ báo cáo, sinh hoạt của tổ. Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa một số tổ DVCS với các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền các xã có lúc chưa chặt chẽ.

Dù khó khăn, nhưng Tổ DVCS bản Mốc 4 vẫn vận động xã hội hóa làm đèn đường chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời cho bản.

Nguyên nhân được cấp ủy huyện Nậm Pồ xác định là do việc thành lập tổ DVCS tại 121 bản là mô hình mới, hoạt động tại địa bàn miền núi, nhiều bản giao thông đi lại khó khăn, chia cắt, xa trung tâm. Hầu hết các bản có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, ít khả năng để phát triển kinh tế. Thời điểm thành lập và ra mắt các tổ DVCS lại vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát kèm theo thời tiết mưa lớn kéo dài. Các thành viên tổ DVCS hoạt động kiêm nhiệm nên cũng chưa thể sâu sát cơ sở; kinh phí hoạt động còn khó khăn... Thêm một nguyên nhân nữa mà Huyện ủy Nậm Pồ đã nghiêm túc nhìn nhận là việc một số tổ trưởng, tổ phó và thành viên các tổ DVCS nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, chưa tích cực, cố gắng tham gia hoạt động của tổ mình.

Có thể thấy rằng, tổ DVCS là cách làm mới của huyện Nậm Pồ, là điển hình trong công tác dân vận, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền, góp phần xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn. Hơn 8 tháng vận hành với không ít thử thách, các tổ DVCS gặp phải khó khăn, hạn chế là điều không tránh khỏi. Đó cũng là động lực để Huyện ủy Nậm Pồ tiếp tục nghiên cứu, bàn bạc tìm ra giải pháp để những “cánh tay nối dài của cấp ủy” có thể phát huy hiệu quả tốt hơn nữa trong thời gian tới… 

Kỳ 4: Giải pháp cho chặng đường dài

Bài, ảnh: Diệp Chi – Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top