Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng:
ĐBP - Trên địa bàn huyện Mường Ảng, người Mông chủ yếu sinh sống ở các bản vùng cao trên núi mờ sương. Công tác dân vận, phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc Mông là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Mường Ảng quan tâm, rốt ráo triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Nhờ đó đã chấm dứt tình trạng di cư trên địa bàn, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; củng cố vững chắc niềm tin của người Mông với Đảng, với cấp ủy, chính quyền địa phương, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn.
Bài 1: Kết thúc cuộc tranh chấp đất đai hơn 3 thập kỷ
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ bản người Mông đã từ bỏ thói quen du canh du cư để ổn định lập thôn, lập bản định cư. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít hộ du canh dẫn đến việc tranh chấp đất canh tác với những bản, cộng đồng người Mông sở tại. Làm phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương, gây khó khăn trong quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền địa phương.
Cuộc tranh chấp hơn 3 thập kỷ
Ngược thời gian trở lại hơn 30 năm trước, bắt đầu từ năm 1986, đã xảy ra việc tranh chấp đất canh tác, đất rừng giữa người dân bản Chan 3, xã Mường Đăng với người dân bản Hua Sát, xã Nà Sáy, huyện Tuần Giáo (cũ). Sau khi chia tách huyện năm 2007, bản Chan 3 thuộc xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng, bản Hua Sát, thuộc xã Mường Khong, huyện Tuần Giáo.
Theo đa số các bậc cao niên trong bản, từ năm 1979 người Mông đã di cư đến, thành lập bản Chan 3. Bắt đầu từ năm 1986, nảy sinh mâu thuẫn giữa dân 2 bản Chan 3 và Hua Sát về tranh chấp đất canh tác và đất rừng với diện tích khoảng 1.400ha. Người dân bản Hua Sát cho rằng đây là khu vực đất và rừng đầu nguồn của bản nên họ phải được sử dụng. Năm 1994, chính quyền 2 xã Mường Đăng, Nà Sáy (huyện Tuần Giáo) thống nhất giao toàn bộ diện tích đất cho bản Chan 3 quản lý canh tác. Tuy nhiên, đến năm 2004, người dân bản Hua Sát lại đòi dịch mốc phân giới lên 1km về phía bản Chan 3. Nhưng chính quyền 2 xã Mường Đăng, Nà Sáy vẫn quyết định diện tích đã phân định.
Sau đó từ năm 2015 - 2017 người dân bản Hua Sát lại tiếp tục có đơn kiện. Thời điểm này bản Chan 3 thuộc xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng; bản Hua Sát, thuộc xã Mường Khong, huyện Tuần Giáo.
Theo ông Tráng A Dơ, người uy tín bản Chan 3 chia sẻ: Giai đoạn 2015 – 2017, xảy ra mâu thuẫn đỉnh điểm, người dân 2 bản đi rừng lấy măng, đi phát nương thường tranh chấp cãi cọ xô xát với nhau, thả trâu bò vào nương của 2 bên. Người dân 2 bản hầu như không giao lưu qua lại với nhau, trừ một số trường hợp đi thăm thân, họ hàng; thanh niên bản này không sang bản kia chơi vì sợ bị đánh, một số đôi trai gái yêu nhau bị gia đình, dòng họ cấm cản. Năm 2016, trong quá trình 2 huyện giải quyết tranh chấp, có đối tượng kích động bên bản Hua Sát đã xé bản đồ địa chính.
Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo 160 của huyện, tỉnh đã cử cán bộ trực tiếp về nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của người dân 2 bản. Công an tỉnh cử cán bộ xuống thực hiện “3 cùng”, tuyên truyền vận động người dân 2 bên kiềm chế, không nóng giận, không nên kích động, không để bị kẻ xấu lôi kéo, xúi giục tranh chấp gây ra đổ máu mà cần tin tưởng vào cách giải quyêt của chính quyền nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích người dân 2 bản. Đồng thời, khoanh vùng những đối tượng có ý định kích động, gây mất đoàn kết giữa Nhân dân 2 bản để có biện pháp tuyên truyền giáo dục.
Ông Lý A Chua, nguyên bí thư chi bộ bản Chan 3, xã Ngối Cáy cho biết: Với vai trò là đảng viên, Bí thư chi bộ bản tại thời điểm đó, khi dân bản Chan 3 và Hua Sát xảy ra tranh chấp chúng tôi đã họp chi bộ quán triệt đến từng đảng viên, tuyên truyền đến họ hàng người thân, dân bản kiềm chế, không cãi cọ, xúc phạm người dân bản Hua Sát. Thống nhất cách giải quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật, hợp tình, hợp lý đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhân dân 2 bản. Đã nhiều lần tôi cùng với đồng chí Tráng A Chỉa, nguyên trưởng bản Chan 3 sang phối hợp với trưởng bản Hua Sát nắm tình hình; tuyên truyền vận động người dân Hua Sát không kích động, cần tin tưởng vào sự giải quyết của chính quyền 2 huyện và UBND tỉnh.
Ông Lò Văn Diên, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Đăng, huyện Tuần Giáo (nay là Ngối Cáy, huyện Mường Ảng) từ năm 1985 – 2020, cho biết: Để giải quyết vấn đề, bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh xác minh rõ nguồn gốc đất, Đảng ủy, chính quyền 2 xã thường xuyên cử cán bộ đến gặp gỡ tuyên truyền người dân 2 bản thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân, không để xảy ra các sự việc không mong muốn. Đặc biệt vận động người dân 2 bên cùng nhường nhịn.
Năm 2017, sau khi khảo sát thực tế, nắm bắt tâm tư nguyện vọng người dân 2 bản, UBND tỉnh cùng chính quyền 2 huyện Tuần Giáo và Mường Ảng thống nhất lại địa giới hành chính: Từ thác Đá đen về phía bên trái xuôi xuống hạ lưu giao cho người dân bản Hua Sát, xã Mường Khong, huyện Tuần Giáo quản lý và sử dụng; còn từ thác Đá đen sang phía bên phải xuôi xuống hạ lưu giao cho bản Chan 3, xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng quản lý sử dụng. Đã thực hiện cắm mốc bê tông trước sự chứng kiến, đồng tình ủng hộ của người dân 2 bản.
Cuộc sống sang trang mới
Sau khi mâu thuẫn được giải quyết ổn thỏa, hợp tình hợp lý, người dân 2 bên đã yên tâm canh tác, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.
Anh Lý A Dủa, Bí thư chi bộ bản chan 3 cho biết: 100% dân bản Chan 3 sống phụ thuộc canh tác lúa nương và chăn nuôi trâu, bò. Đa phần các hộ dân trong bản có diện tích đất canh tác thuộc khu vực đất tranh chấp cũ với gần 700ha. Có đất canh tác đời sống người dân dần ổn định hơn, trung bình mỗi năm các hộ gia đình trong bản thu hoạch từ 50 – 60 bao thóc/hộ, nhà nhiều 70 – 100 bao.
Ngoài tập trung sản xuất lúa, người dân còn tích cực chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Nếu như trước kia 100% hộ dân trong bản là hộ nghèo thì đến nay bản đã có 4 hộ thoát nghèo, vươn lên thành hộ có kinh tế khá giả của xã. Tiêu biểu như các hộ gia đình ông Tráng A Dơ, Lý A Phẳng, Lý A Mạnh, Lý A Sinh với mô hình chăn nuôi trâu bò cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Ông Lý A Mạnh, người dân bản Chan 3 cho biết: Từ khi giải quyết dứt điểm tranh chấp đất đai giữa bản Chan 3 và bản Hua Sát, người dân 2 bản yên tâm lao động sản xuất, không bên nào xâm phạm, hay chăn thả sang diện tích đất của bên kia. Không còn cãi cọ, chửi nhau như trước nữa. Như nhà tôi có 3 mảnh nương ở khu vực này trung bình mỗi năm cũng được 60 – 70 bao thóc, đủ để sinh hoạt và phục vụ chăn nuôi của gia đình. Vì làm lúa nương chỉ được một vụ/năm nên gia đình đã tận dụng thời gian không trồng lúa làm bãi chăn thả của riêng gia đình. Hiện gia đình tôi chăn nuôi 15 con trâu bò, gần 10 con lợn.
Không còn mâu thuẫn, người dân 2 bản Hua Sát, và Chan 3 nối lại giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết; hiện nay đã có đường giao thông từ bản Chan 3 sang bản Hua Sát. Các đôi trai gái, thanh niên tự do tìm hiểu, tỏ bày tình cảm mà không bị cấm đoán như trước. Từ năm 2017 đến nay 2 bản đã có 2 cặp đôi xây dựng gia đình.