Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

“Thắp lửa” nơi cực Tây Tổ quốc (2)

12:58 - Thứ Bảy, 14/10/2023 Lượt xem: 2711 In bài viết

Kỳ II: Khát khao cống hiến sức trẻ

ĐBP - Khát vọng cống hiến sức trẻ, tình nguyện đến công tác tại những nơi khó khăn, gian khổ để trưởng thành là điểm chung của các trí thức trẻ tình nguyện tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 379. Trên dải đất cực Tây của Tổ quốc, suốt hơn một thập kỷ qua, hàng trăm lượt đội viên trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) đang hàng ngày cần mẫn đến các thôn, bản của đồng bào các dân tộc thiểu số xa xôi để vận động, tuyên truyền nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và bài trừ các hủ tục đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây.

Kỳ I: Chủ trương đúng - ấm lòng biên cương

Tình nguyện về nơi gian khó

Tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục tiểu học, Trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây, chàng trai trẻ Nguyễn Anh Tuấn đã tình nguyện viết đơn và cùng hơn 30 bạn trẻ khác tham gia lực lượng TTTTN thuộc Đoàn KT - QP 379.

Nguyễn Anh Tuấn là một trong số 2 đội viên được biên chế về Đội sản xuất và xây dựng chính trị cơ sở (SX và XDCTCS) số 3 tại xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ). Nhiệm vụ chủ yếu của Tuấn và đội viên Lèng Văn Nghĩa là cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã Pa Tần tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhất là chính sách đại đoàn kết dân tộc; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; không di cư, vượt biên trái phép; vận động, tiếp sức các em nhỏ đến trường.

“Bỡ ngỡ vì nhớ nhà, chưa quen với môi trường công tác mới, thậm chí có lúc nghĩ mình không thể vượt qua” là những trải lòng của Tuấn khi nhớ về những ngày đầu nhận nhiệm vụ. Kỷ niệm khó quên nhất với Tuấn có lẽ là lần đầu đến gặp các hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động các em nhỏ đến trường. Tuy nhiên do bất đồng ngôn ngữ, nói một đằng, đồng bào lại hiểu một nẻo, nên nhiều người dân không hài lòng. Sau lần đó, Tuấn phải tranh thủ học tiếng dân tộc; mày mò, tìm hiểu thêm về phong tục tập quán của người dân địa phương. Tuấn tâm sự: “Trải qua hơn một năm thử sức trên vùng đất gian khó, dù thời gian chưa phải là dài, song từ những trải nghiệm thực tế đã giúp em trưởng thành hơn. Giờ thì em đủ tự tin và nghị lực để vượt qua tất cả khó khăn, thử thách”.

Màu áo xanh của TTTTN đồng hành cùng nhân dân vùng cao vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững.

Không chỉ riêng Tuấn, thấu hiểu khó khăn, thiếu thốn và cả những thiệt thòi của người vùng biên nên mỗi đội viên trí thức trẻ lại thấy gắn bó, yêu thương nhiều hơn vùng đất khó với bao con người lam lũ. Sau khi hoàn thành hai năm tình nguyện, nhiều người trong số họ có nguyện vọng thiết tha tiếp tục được cống hiến, trưởng thành, gắn bó lâu dài nơi miền biên giới này. Hà Thị Hòa, cô gái người Phú Thọ là một trong những trí thức trẻ như vậy.

Từng là đội viên trí thức trẻ trong đợt 5 của giai đoạn 2010 - 2020 thuộc Dự án 174; với tâm niệm được trải nghiệm, được cống hiến sức trẻ là niềm vui, hạnh phúc và cũng là cơ hội để thực hiện những khát vọng, những hoài bão lớn lao của tuổi trẻ, bởi vậy sau khi kết thúc hai năm tình nguyện, Hòa đã không ngần ngại tiếp tục đăng ký tham gia đợt 1 giai đoạn 2021 - 2023 của Dự án 174.

Chia sẻ với chúng tôi về lý do muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất biên cương Nậm Pồ, Hòa bộc bạch: Trước khi viết đơn tình nguyện lên đây, em đã xác định tư tưởng và hiểu được những khó khăn, thử thách đang đợi mình ở phía trước. Nhưng đến đây rồi em vẫn ngỡ ngàng, cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ vùng biên thiếu thốn, vất vả quá. Sóng điện thoại lúc được, lúc mất, mùa đông đến, nhiều người dân chăn không đủ ấm, áo không đủ mặc. Vậy nhưng, càng ở lâu càng thấy gắn bó, chứng kiến đời sống bà con từng bước đổi thay, em càng có thêm nghị lực vượt qua khó khăn, thử thách để rèn luyện bản thân và khẳng định mình.

Cũng như Hòa, Tuấn, suốt hơn mười năm qua, những đội viên TTTTN Đoàn KT - QP 379, sau khi rời giảng đường, đều tình nguyện đến đây để cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Họ đã góp phần làm cho ý Đảng hòa quyện với lòng dân, cuộc sống vùng biên “thay da, đổi thịt”. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, song những chàng trai cô gái trẻ ấy đều có một điểm chung là chấp nhận khó khăn thử thách để rèn luyện, trưởng thành, đóng góp sức lực, trí tuệ của tuổi trẻ, những kiến thức được trang bị ở nhà trường để cùng đồng bào vùng sâu, vùng xa vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

TTTTN xây dựng các mô hình kinh tế để nhân dân học tập và làm theo.

Những “sứ giả” văn hóa nơi biên cương

Vào một ngày tháng 7/2022, mưa như trút nước, TTTTN - y sĩ Lò Minh Huyền, Bệnh xá Đoàn 379 và đồng nghiệp tiếp nhận bệnh nhân bị gãy tay do tai nạn lao động sập hầm thủy điện. Y sĩ Huyền đã lập tức tiến hành băng bó, cố định vị trí xương gãy, giảm sốc, giảm đau… rồi đưa bệnh nhân vượt gần 50km đường núi quanh co, hiểm trở ra Trung tâm Y tế Mường Chà điều trị, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người bệnh.

Y sĩ Huyền bộc bạch: “Những ca bệnh nặng, bị tai nạn, chấn thương ở xa, khi nhận được thông tin, tôi và đồng nghiệp đã đến tận nhà thăm khám, sơ cứu. Khi có yêu cầu sẽ hỗ trợ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên điều trị. Đó là trách nhiệm, tấm lòng của người thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ cũng như TTTTN lo cho người dân những lúc khó khăn để người bệnh qua cơn hiểm nghèo”.

Các huyện vùng cao như Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu như: Mê tín dị đoan, di dịch cư tự do, tảo hôn, ma chay, cưới xin dài ngày, sinh hoạt, ăn ở không hợp vệ sinh, dễ bị lợi dụng sinh hoạt đạo trái phép... Vì thế, những năm qua không chỉ làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng trong việc giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương khu vực biên giới phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, củng cố tiềm lực quân sự, quốc phòng, cán bộ, TTTTN Đoàn 379 còn mang sứ mệnh như những “sứ giả” văn hóa, mang niềm tin và khát vọng đổi thay đến với người dân nơi đây.

Hình ảnh cán bộ, TTTTN đến từng gia đình tham gia cùng nhân dân vệ sinh, sắp đặt nhà ở, xây dựng nhà văn hóa, tổ chức các lớp xóa mù chữ hay tham gia các lễ hội văn hóa với đồng bào đã trở nên quen thuộc. Từ đó, bà con học theo bộ đội, TTTTN dần thay đổi cách nghĩ, cách làm, từ bỏ dần những hủ tục, xây dựng cuộc sống văn minh ngay tại chính căn nhà mình sinh sống.

Theo Bí thư đảng ủy xã Si Pa Phìn Vàng A Kỷ: Là xã vùng sâu vùng xa biên giới (trên 85% đồng bào dân tộc Mông), bên cạnh bản sắc văn hóa vẫn còn gìn giữ được, ở thôn, bản vẫn còn không ít phong tục tập quán lạc hậu, nhất là nạn tảo hôn, di cư tự do… “Cuộc chiến” xóa bỏ hủ tục lạc hậu ở xã còn nhiều khó khăn. Với chủ trương “lấy cái đẹp để dẹp cái xấu”, cùng sự vào cuộc quyết liệt từ huyện đến cơ sở, Đội SX và XDCSCT số 1 và đội viên TTTTN đã tích cực bám bản bám địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền, quyết tâm xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh giúp vùng đồng bào DTTS; thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc của Đảng và chính sách dân tộc của Nhà nước trên địa bàn huyện.

Màu áo xanh của TTTTN đã trở nên thân thương, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Những bước chân không mỏi mệt của đội viên TTTTN vẫn đang cần mẫn, miệt mài, đồng hành cùng “Bộ đội Cụ Hồ” trên hành trình mang no ấm đến những bản mường xa xôi, nơi cực Tây Tổ quốc.

Kỳ III:“Trái ngọt” trên dải đất cực Tây

Bài, ảnh: Sầm Phúc - Thu Hằng
Bình luận
Back To Top