ĐBP - Tiếp tục kỳ họp thứ 34, chiều nay (28/6), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 và xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh là trên 3.200 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách địa phương hơn 822 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương gần 1.300 tỷ đồng; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia hơn 1.100 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư NSNN năm 2022 đã được HĐND và UBND tỉnh giao là 2.933,671 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/5/2022, tỉnh đã điều chỉnh, phân bổ chi tiết 100% kế hoạch vốn được giao (không bao gồm các chương trình mục tiêu quốc gia).
Công tác bố trí vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các chương trình, dự án đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí theo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phù hợp với dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm của tỉnh. Tỷ lệ giải ngân thực tế 5 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đạt 35,81% so với kế hoạch, cao hơn so với bình quân chung của cả nước (25,78%) và cao hơn so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm chưa đạt kỳ vọng đặt ra. Nguyên nhân được chỉ ra là do một số chủ đầu tư chưa chủ động thực hiện công tác thanh toán ngay khi có khối lượng dẫn đến một số dự án chưa giải ngân được; chất lượng lập kế hoạch và công tác chuẩn bị đầu tư, thủ tục đầu tư cho các dự án tại một số đơn vị chưa tốt, thiếu chủ động dẫn đến một số dự án được giao kế hoạch nhưng chưa thể triển khai thi công, giải ngân, phải điều chỉnh kế hoạch vốn...
6 tháng cuối năm 2022, UBND tỉnh phấn đấu đến 30/9/2022 thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn của các dự án hoàn thành và dự án chuyển tiếp, 75% kế hoạch vốn của các dự án khởi công mới, đảm bảo đến 31/12/2022 giải ngân 100% kế hoạch vốn đối với nguồn vốn NSNN đã được giao từ đầu năm. Đồng thời, phấn đấu thực hiện và giải ngân cao nhất vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Các chủ đầu tư, lãnh đạo UBND các địa phương cũng nêu những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời đề ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân 6 tháng cuối năm 2022. Một số sở: Thông tin và Truyền thông; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 đạt thấp.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 08/01/2022, các văn chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện kế hoạch đầu tư công; xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quan. Các đơn vị chủ đầu tư tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt các dự án chuyển tiếp, đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công đề ra; thường xuyên rà soát, đánh giá, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc của Dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục QL279, QL12 và các dự án sử dụng vốn vay ODA.
Sở KH&ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ, rà soát để tham mưu UBND tỉnh xem xét đề xuất cắt giảm, điều chuyển vốn của các đơn vị, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các đơn vị, địa phương và các dự án có khả năng hoàn thành kế hoạch vốn giao, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, tránh để việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn dồn vào cuối năm, ảnh hưởng tiến độ giải ngân năm 2022. UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, đôn đốc không để xảy ra tình trạng chậm giao kế hoạch vốn, tồn đọng vốn, tồn đọng hồ sơ giải quyết các thủ tục dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của cấp huyện; đẩy nhanh công tác nghiệm thu, quyết toán, không để dồn vào cuối năm.