Sáng 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 13 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Ngay sau phần phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, với 100% số ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa hai vụ trở lên của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa hai vụ trở lên tăng thêm so với Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ để kịp thời triển khai dự án đúng tiến độ; đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ tư theo đúng quy định và thẩm quyền.
Sáng cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo công tác dân nguyện tháng 5, tháng 6. Theo dự thảo báo cáo do Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày, cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ ba của Quốc hội, hết sức tin tưởng vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua.
Cử tri hoan nghênh, đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời tổ chức phiên họp bất thường ngày 6/7/2022 để xem xét, thông qua nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cũng bày tỏ, lo lắng tình trạng giá xăng dầu vẫn ở cao kéo theo nhiều giá dịch vụ, hàng hóa tăng; việc đăng tải và lan truyền những thông tin liên quan các vụ trẻ em tự tử gây ra những hệ lụy không tốt...
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua về nguyên tắc dự thảo nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.
Thảo luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và nhiều đại biểu cho rằng, việc ban hành nghị quyết này là rất cần thiết. Hằng năm có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không đúng pháp luật, trong đó có cả việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng thẩm quyền, có văn bản sai về nội dung. Theo Chủ tịch Quốc hội, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn pháp luật là vấn đề rất quan trọng. Muốn vậy, trước hết, cơ quan ban hành, tổ chức thực hiện văn bản pháp luật phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Các đại biểu cũng thống nhất, dự thảo nghị quyết được ban hành dưới dạng văn bản hướng dẫn nên không đặt ra quy định mới, không đặt ra thẩm quyền mới, không đặt ra nghĩa vụ mới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan được giao nhiệm vụ tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, sớm hoàn thiện dự thảo nghị quyết và hoàn thành các thủ tục để sớm ban hành nghị quyết trong tháng 7/2022.
Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự thảo nghị quyết về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu.
Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp Ban Công tác đại biểu rà soát, chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết theo hướng gắn với từng mảng chức năng chính của Ban.
Trong đó, phân định rõ các nhiệm vụ do Ban chủ trì, làm đầu mối tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các nhiệm vụ do Ban tham gia phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan và các nhiệm vụ do Ban chủ động thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo phân công của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định Ban Công tác đại biểu có nhiệm vụ chủ trì thực hiện việc đề nghị cấp có thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Các quy định về cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của Ban Công tác đại biểu và nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban đã được chỉnh lý trên cơ sở tham khảo các quy định tương ứng trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân nguyện (ban hành năm 2016) để bảo đảm sự thống nhất.
Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung báo cáo của Ủy ban Pháp luật. Các đại biểu đề nghị rà soát, làm rõ nội dung nào Ban Công tác đại biểu được chủ trì, tham mưu đề xuất; nội dung nào Ban Công tác đại biểu phối hợp cơ quan khác... Bên cạnh đó, trình tự thủ tục, trách nhiệm của Ban Công tác đại biểu trong việc tổ chức phục vụ, tham mưu cho Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng phải rõ ràng.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp Ban Công tác đại biểu tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.