ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia ý kiến về phát triển KT – XH và giải ngân vốn đầu tư công

14:56 - Thứ Bảy, 22/10/2022 Lượt xem: 6896 In bài viết

ĐBP - Sáng 22/10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022 và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.

ĐBQH Lò Thị Luyến phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 22/10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, nhận định: Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2022 vừa qua đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều nước trên thế giới đánh giá cao kết quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về các giải pháp khắc phục những vấn đề khó khăn trong đại dịch Covid-19. Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 cũng còn những tồn tại, hạn chế được Chính phủ và Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề cập, báo cáo trước Quốc hội.

Phát biểu làm rõ những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện một số chính sách về y tế, giáo dục và tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, vừa qua khi triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh đã bộc lộ ra rất nhiều bất cập đối với y tế cơ sở, như: cơ sở vật chất còn hạn chế; nhân lực ít; đội ngũ y, bác sĩ còn nhiều khó khăn... Gói hỗ trợ sau đại dịch để đầu tư cơ sở vật chất y tế chậm được triển khai, đến thời điểm này chưa giải ngân được. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo và đưa ra các giải pháp để thực hiện nội dung này.  

Về bảo hiểm y tế, trước đây Nhà nước hỗ trợ 100% tiền đóng bảo hiểm y tế cho người đồng bào dân tộc thiểu số và người có hộ khẩu cư trú trên địa bàn các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn. Hiện nay, đối với các xã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới, người dân không còn được hưởng chính sách hỗ trợ này nữa dẫn đến tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp đi, nhiều người dân ở đây có đời sống rất khó khăn, không có khả năng để tham gia. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét tiếp tục hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong những năm đầu cho người dân thoát khỏi danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo (do đạt chuẩn nông thôn mới) theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc thực hiện chủ trương giảm đầu mối, tinh giản biên chế giáo viên ở các tỉnh miền núi với đặc điểm địa bàn xa, dân cư sống phân tán gặp rất nhiều khó khăn. Việc sáp nhập trường lớp ảnh hưởng đến quãng đường di chuyển của học sinh. Mặt khác, định mức biên chế giáo viên đứng lớp trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trong đó có Điện Biên chưa được giao đủ theo quy định, nhưng khi giao chỉ tiêu tinh giản biên chế lại giao tỷ lệ trên số lượng giáo viên hiện có. Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp rà soát và xác định số lượng biên chế còn thiếu tại các địa phương nhưng chưa kịp thời bổ sung dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên rất khó khăn. Một số trường cấp 1, cấp 2, sau khi sáp nhập không đạt tiêu chí của Bộ Giáo dục về thành lập trường bán trú. Tiêu chí với trường tiểu học là 25% học sinh bán trú, trường trung học cơ sở và trung học phổ thông là 50%. Khi sáp nhập, có trường đạt tiêu chí học sinh bán trú tiểu học nhưng lại không đạt tiêu chí học sinh bán trú trung học cơ sở hoặc ngược lại dẫn đến cả học sinh tiểu học và học sinh trung học cơ sở cũng như giáo viên không được hưởng chế độ, nhà trường cũng không được hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sửa chữa trường, lớp học, trang thiết bị. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục Đào tạo sớm ban hành các tiêu chí mới phù hợp khi sáp nhập các trường, đảm bảo các chế độ cho học sinh, giáo viên cũng như chế độ đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất cho nhà trường và cần có phương án để thực hiện việc giảm đầu mối, tinh giản biên chế giáo viên phù hợp với thực tiễn từng địa phương. 

Về giải ngân vốn đầu tư công trong báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã nêu rất rõ, tỷ lệ giải ngân đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia và vốn đầu tư công rất thấp. Nguyên nhân việc giải ngân vốn đầu tư công thấp là do việc thực hiện các thủ tục về đầu tư cũng như thủ tục điều chỉnh các nguồn vốn này yêu cầu rất chặt chẽ, cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương. Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đối với các địa phương và các bộ, ngành trong quá trình phối hợp cho ý kiến thẩm định hoặc điều chỉnh cần phải có sự phối hợp chặt chẽ và thiện chí hơn, tránh việc đổ lỗi cho nhau. 

Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nguyên nhân giải ngân thấp là do phân bổ vốn chậm, văn bản hướng dẫn quản lý, tổ chức thực hiện chương trình chưa được ban hành kịp thời. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 sang năm 2023 và không giảm số vốn dự kiến năm 2023 cho các chương trình này vì khi đã có hướng dẫn về quản lý, tổ chức thực hiện chương trình thì chắc chắn là việc giải ngân sẽ tốt hơn.

Tin, ảnh: Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top