ĐBP - Đến năm 2025 có 100% cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ (trong đó 98% có trình độ từ trung cấp trở lên, phấn đấu đến năm 2030 đạt 100%); 100% cán bộ chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (90% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, đến năm 2030 đạt 100%). Đó là một trong những mục tiêu của Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án), được ban hành kèm theo Quyết định số 1576/QĐ-UBND, ngày 31/8/2022 của UBND tỉnh.
Những chuyển biến tích cực
Như vậy, mục tiêu của Đề án so với giai đoạn trước (tính đến thời điểm 31/12/2020) tăng 2,94% về chuyên môn nghiệp vụ và tăng 30,92% về lý luận chính trị.
Đích phấn đấu đó không quá xa bởi những năm qua đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) cấp xã trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm phát triển về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Số lượng CBCC cấp xã được thực hiện theo quy định tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, bố trí theo đơn vị hành chính cấp xã loại I: 23 người, loại II: 21 người, loại III: 19 người. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 2.568 CBCC cấp xã; trong đó có 731 nữ, 2.149 người dân tộc thiểu số. CBCC có trình độ chuyên môn đại học, trên đại học đạt 49,07%; trình độ trung cấp, cao đẳng 45,48%; CBCC có trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị đạt 1,25% và 57,83% có trình độ trung cấp lý luận chính trị.
Các số liệu thống kê cho thấy trình độ, năng lực và lý luận chính trị của đội ngũ CBCC cấp xã trên địa bàn tỉnh đã được nâng cao một bước. Về cơ bản, CBCC cấp xã có thái độ nhiệt tình, đúng mực; trong thực thi công vụ đã thể hiện tính tích cực, kỷ cương hành chính; ít để xảy ra hiện tượng sách nhiễu, phiền hà. Phần lớn đội ngũ CBCC cấp xã đã vận dụng tốt kiến thức chuyên môn được đào tạo, ứng dụng cơ bản công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ. Nhiều cán bộ xã đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo chỉ đạo và gương mẫu đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ ở cơ sở, nhất là lĩnh vực phát triển kinh tế ở các xã vùng thấp và giữ ổn định chính trị, an ninh trật tự đối với các xã vùng cao, biên giới.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực thì đội ngũ CBCC cấp xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn những hạn chế. Đó là một số còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn dẫn đến thiếu sót trong thực thi công vụ; tiến độ triển khai, xử lý công việc chậm, chưa chủ động, có lúc có nơi còn máy móc; hiệu quả công tác tham mưu chưa cao; việc phối hợp chưa chặt chẽ, thống nhất.
Tiếp tục nâng cao về “chất”
Nâng cao chất lượng CBCC cấp xã là yêu cầu bức thiết bởi họ giữ vai trò cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, giữa công dân với nhà nước; trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển KT-XH, đảm bảo ANTT ở cơ sở.
Xây dựng CBCC cấp xã phải phù hợp đặc điểm, điều kiện đặc thù của từng vùng, địa bàn như: Điều kiện tự nhiên, cơ cấu dân cư, trình độ phát triển KT-XH, truyền thống văn hóa... Ví dụ ở các phường, thị trấn, các xã vùng lòng chảo Mường Thanh có hạ tầng kỹ thuật, điều kiện phát triển KT-XH tốt hơn, trình độ dân trí cao hơn... thì yêu cầu về trình độ, năng lực CBCC cấp xã theo hướng chuyên sâu, chuyên ngành cao hơn. Đối với các xã vùng cao, biên giới địa hình, giao thông cách trở, còn nhiều khó khăn về kinh tế, đời sống, nhận thức của người dân không đồng đều. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc một bộ phận dân cư bị các đối tượng xấu thường xuyên lợi dụng, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết, lôi kéo di cư tự do, phá rừng... thì phải có chính sách đào tạo, kiện toàn cán bộ phù hợp đặc điểm địa bàn.
Những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm, tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời có chính sách khuyến khích đối với CBCC người địa phương, người dân tộc thiểu số. CBCC xã là người sinh sống tại địa phương có ưu điểm là am hiểu tình hình địa bàn, gắn bó và được sự ủng hộ của người dân nên quá trình triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ có nhiều thuận lợi. Nhưng tiêu cực sẽ xảy ra nếu những cán bộ này thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu công tâm bởi sự chi phối từ những mối quan hệ họ hàng, dòng tộc. Từ đó ảnh hưởng đến thực thi công vụ, dễ dẫn đến tình trạng chia bè phái trong nội bộ.
Do đó, cùng với đào tạo chuyên môn cần chú trọng giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống kết hợp thực hiện hiệu quả, phù hợp công tác luân chuyển cán bộ ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau. Từ đó xây dựng CBCC cấp xã thực sự là “thủ lĩnh” công tâm, khách quan, có khả năng tổ chức, lôi cuốn các phong trào quần chúng, nhân rộng những điển hình tiên tiến, biết phát huy nội lực, tinh thần đoàn kết các dân tộc.
Một thuận lợi trong xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã của tỉnh Điện Biên hiện nay là số công chức trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) chiếm gần 70%. Đa số đã được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ đúng việc làm, các kỹ năng cần thiết trong xử lý công việc, ứng dụng tốt công nghệ thông tin, có ý thức tổ chức kỷ luật. Đây là nhân tố quan trọng góp phần tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH địa phương. Cấp uỷ, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hoá đội ngũ này. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của địa phương gắn với yêu cầu của vị trí việc làm chứ không chạy theo bằng cấp. Đồng thời thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng. Việc đánh giá phải đảm bảo đủ nội dung, công khai, dân chủ, minh bạch đối với từng chức danh; xử lý nghiêm CBCC vi phạm, có biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không hoàn thành nhiệm vụ.