Cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo

16:03 - Thứ Sáu, 28/10/2022 Lượt xem: 5958 In bài viết

ĐBP - “Cử tri chức sắc và tín đồ tôn giáo đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan chức năng cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo; bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội để các tôn giáo có thể tham gia thực sự là một trong những nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước bền vững” - Đó là ý kiến phát biểu của Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, diễn ra sáng nay (28/10).

Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận sáng 28/10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, lịch sử đã chỉ ra rằng, tôn giáo ở Việt Nam luôn đoàn kết, hòa hợp trong lòng dân tộc. Mỗi tôn giáo dù có đức tin, hệ thống giáo lý, giáo luật có khác nhau, nhưng cùng có chung tinh thần dân tộc, làm nên sự phong phú, đặc sắc của văn hóa truyền thống dân tộc và không chỉ là thành tố của văn hóa mà còn thực sự là một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước. Cử tri chức sắc và tín đồ tôn giáo đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan chức năng cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo; bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội để các tôn giáo có thể tham gia thực sự là một trong những nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước bền vững.

Tại kỳ họp này, Quốc hội và Chính phủ đang triển khai, xem xét, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai với kỳ vọng có nhiều nội dung giải quyết triệt để các tồn tại, hạn chế, khai thông điểm nghẽn tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Cử tri đồng bào các tôn giáo đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai lần này cần có những quy định cụ thể về đất đai tôn giáo nhằm đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống có sự tiếp nối với hiện đại đảm bảo phát huy nguồn lực tôn giáo trong xã hội.

Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, phát huy nguồn lực tôn giáo còn được thể hiện trong các hoạt động quốc tế rất đa dạng, phong phú của các tổ chức tôn giáo. Nhiều đoàn chức sắc tôn giáo ra nước ngoài tham dự hội nghị, hội thảo, mở rộng quan hệ quốc tế với các tổ chức tôn giáo quốc tế, tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương, các diễn đàn khu vực và quốc tế, như: Đối thoại Liên tôn giáo Á – Âu (ASEM), Đối thoại Liên tôn giáo khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APIN), các hoạt động văn hóa hòa bình của Liên hợp quốc UN Vesak… Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội, năm 2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình và năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam có sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu đến từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ, có 05 vị nguyên thủ là Tổng thống, Thủ tướng các quốc gia tham dự.

Quan hệ quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng, các chức sắc các tôn giáo nói chung đã góp phần giúp bạn bè quốc tế  hiểu rõ hơn về đời sống văn hóa, tôn giáo Việt Nam, về chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Đó cũng chính là những phản bác mạnh mẽ nhất trước những báo cáo sai sự thật, xuyên tạc về nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam của các thế lực thù địch xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây. Do đó, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến công tác đối ngoại về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top