Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh
ĐBP - Sáng ngày 19/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh thực hiện giám sát UBND tỉnh về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đây là nội dung giám sát tối cao chuyên đề năm 2023 do Quốc hội lựa chọn, tiến hành.
Tại tỉnh Điện Biên, đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi làm việc. Về phía UBND tỉnh, đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan làm việc với đoàn giám sát.
Điện Biên đã xảy ra 5 đợt dịch, tính từ đợt 1 ngày 5/2/2021, lũy kế đến ngày 23/11/2022, tỉnh ta có 90.229 trường hợp bệnh nhân mắc Covid-29, lũy kế tử vong 24 trường hợp. Hiện đã điều trị khỏi 90.168 bệnh nhân, còn 37 ca đang theo dõi điều trị. Suốt thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch quyết liệt, phù hợp với diễn biến từng thời điểm; quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn kinh phí phòng, chống dịch của các đơn vị thực hiện đúng đối tượng, đúng chính sách và quy định hiện hành...
Tổng nguồn ngân sách Nhà nước bổ sung cho công tác phòng, chống dịch số tiền trên 576,7 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 224,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 351,8 tỷ đồng. Việc phân bổ dự toán cho các đơn vị đảm bảo chế độ, chính sách và theo quy định hiện hành. Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, ngành Y tế tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã tiếp nhận kinh phí từ các tổ chức, cá nhân, hỗ trợ từ Trung ương, thực hiện phân bổ nguồn lực huy động theo đúng quy định với số tiền 51,279 tỷ đồng.
Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, được quan tâm xây dựng, hoàn thiện mạng lưới, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên khi kiện toàn sắp xếp khoa phòng theo quy định số lượng biên chế gặp khó khăn trong việc lồng ghép khoa, phòng; thực hiện lộ trình tinh giản biên chế giai đoạn 2022 – 2026 dẫn đến ngành Y tế có thể bị thiếu hụt nhân lực; do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng cán bộ tham gia đào tạo dài hạn đạt thấp...
Tại buổi giám sát, các đại biểu trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề: Cho cơ chế giải quyết số tiền chênh lệch thu phí dịch vụ xét nghiệm y tế (giá cao hơn, trước khi Bộ Y tế quy định), đã thông tin tìm người sử dụng dịch vụ nhưng vẫn còn hơn 360 triệu đồng chưa trả lại được; giải pháp, chính sách thu hút nhân lực ngành Y tế, trong khi nguồn tuyển tại địa phương ít, còn tình trạng chảy máu chất xám; xác định nguy cơ thiếu thuốc, vật tư tiêu hao (tình hình chung của nhiều tỉnh thành trong cả nước)... Đồng thời đặt ra vấn đề: Mô hình tổ chức tuyến y tế cơ sở chưa đủ nhân lực, đặc biệt thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; tỷ lệ phân bổ ngân sách, kinh phí cấp cho hoạt động y tế dự phòng không lây nhiễm còn rất khó khăn... Và làm rõ một số kiến nghị cụ thể của Trung tâm Y tế huyện Mường Chà, TP. Điện Biên Phủ; bổ sung một số biểu về nhân lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, hoạt động y tế dự phòng quản lý... kèm theo đề cương giám sát.
Cùng với các nội dung trên, Đoàn giám sát tiếp thu, tổng hợp báo cáo liên quan đến các đề nghị tại buổi làm việc: Về chế độ chính sách ưu đãi nghề, thâm niên nghề y tế; đảm bảo biên chế ngành phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; các nội dung đấu thầu bất cập, chưa linh hoạt gây khó khăn, ngành Y tế nghiên cứu tham gia ý kiến những nội dung không phù hợp để hoàn thiện luật; chính sách cho đội ngũ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ...
Trước đó, đoàn giám sát đã khảo sát một số đơn vị, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó có cái nhìn toàn diện về hiện trạng hệ thống y tế, từ đó có ý kiến với Chính phủ, địa phương, ngành chức năng ban hành chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho ngành Y tế phát triển.