Triển khai công tác tư pháp năm 2023

17:44 - Thứ Hai, 19/12/2022 Lượt xem: 4699 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (19/12), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023. Dự hội nghị có đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, toàn ngành Tư pháp đã bám sát các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, kịp thời tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các cấp trong phản ứng chính sách, cung cấp ý kiến pháp lý ứng phó với các vấn đề mới phát sinh trong quá trình điều hành, phát triển kinh tế-xã hội. Các Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ là “người gác cổng” về các vấn đề pháp lý cho hệ thống chính trị địa phương, từng bước tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và hoàn thiện khá toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực. Các lĩnh vực truyền thống của bộ, ngành tư pháp (xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật) tiếp tục được thực hiện bài bản, nền nếp, đồng bộ và ngày càng hiệu quả, sát thực tiễn hơn. Nhiều địa phương đã tham mưu mô hình mới, cách làm hay, linh hoạt và đạt kết quả cao. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục đổi mới, bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn, lấy người dân là trung tâm thụ hưởng. Trong năm cả nước đã tổ chức gần 550.000 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp, phát miễn phí 62 triệu bản tài liệu. Đến nay cả nước có 9.938 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, một số địa phương như Đà Nẵng, Hậu Giang, Hà Nam… có 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong 538.630 việc, tăng 9,04% so với cùng kỳ năm 2021.

Năm 2023 Bộ Tư pháp đã định hướng 9 nhiệm vụ trọng tâm, 14 nhiệm vụ cụ thể trọng các lĩnh vực và 6 giải pháp chủ yếu như: Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hiệu lực, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành; thực hiện tốt công tác rà soát, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng đầu tư nguồn lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ghi nhận và biểu dương thành tích ngành Tư pháp đạt được trong năm 2022. Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đã được ngành Tư pháp đề ra trong năm 2023, đồng chí yêu cầu ngành Tư pháp chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và Kế hoạch số 11-KH/TW thực hiện Nghị quyết; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng; nâng cao hiệu quả phòng ngừa và tăng cường năng lực tham mưu cho Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện trong hoạt động đầu tư quốc tế, đảm bảo quyền lợi của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp; tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật.

Tin, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top