Triển khai trọng tâm, trọng điểm các giải pháp tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển KT - XH

18:05 - Thứ Hai, 19/12/2022 Lượt xem: 4335 In bài viết

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành Tài chính năm 2022 do Bộ Tài chính tổ chức chiều nay (19/12). Dự tại điểm cầu tỉnh Điện Biên có các đồng chí: Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Lò Văn Phương, Ủy viên BTV, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Các đồng chí: Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Lò Văn Phương, Ủy viên BTV, Chủ tịch HĐND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2022 triển khai trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước phát sinh nhiều biến động, diễn biến phức tạp khó lường. Song, bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chính sách tài khoá, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đã thúc đẩy phục hồi nhanh phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Bộ Tài chính đã hoàn thành 76 nhiệm vụ được giao, thông qua 3 Nghị quyết, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết, trình chính phủ 46 Nghị định (chiếm 44,7% tổng số Nghị định của Chính phủ ban hành), ban hành theo thẩm quyền 68 thông tư hướng dẫn. Bộ đã rà soát, hệ thống hoá danh mục văn bản pháp luật, tăng cường tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, chính sách, hỗ trợ tư vấn pháp luật về thuế, chính sách tài chính doanh nghiệp, người dân. Chủ động điều hành chính sách tài khoá linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp của tình hình trong và ngoài nước; cân đối đảm bảo nguồn lực hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Đến 15/12/2022 thu NSNN năm 2022 đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% so với dự toán, tỷ lệ động viên vào NSNN xấp xỉ 18% GDP; thu NSTW vượt 19,3% dự toán; thu NSĐP vượt 20,4% dự toán. Đã thực hiện miễn giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng; chi NSNN ước đạt xấp xỉ 1.450 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán. Bộ tài chính đã chủ động tham mưu gói phục hồi kinh tế với quy mô 347 nghìn tỷ đồng, trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, chuyển đổi số; đề nghị các bộ, ngành, địa phương cắt giảm 10% chi thường xuyên định mức phân bổ ngân sách. Trong năm NSTW đã chi từ dự phòng gần 5,2 nghìn tỷ đồng để bổ sung cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai; tạm cấp bổ sung gần 4,3 nghìn tỷ đồng cho 30 địa phương để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Công tác trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết, đồng thời sử dụng hiệu quả các giải pháp quản lý nợ bền vững. Tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, kiểm soát lạm phát; củng cố thị trường tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Năm 2023, Bộ tài chính xác định nhiệm vụ: “Đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các mục tiêu Kế hoạch tài chính quốc gia; vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội khi được thực hiện; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động khu vực sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Trung ương”. Bộ cũng xác định việc triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2023 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, cần tiếp tục bám sát tình hình, dự báo và có giải pháp điều hành phù hợp, kịp thời.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao ngành Tài chính đã thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Thủ tướng chỉ đạo trong năm 2023 ngành Tài chính cần tập trung triển khai trọng tâm, trọng điểm các giải pháp tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế; đảm bảo điều hành chi NSNN năm 2023 theo dự toán một cách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, nhất là phải nắm bắt sát tình hình kinh tế thế giới để có những dự báo, từ đó tham mưu cho Chính phủ đề ra những giải pháp trong điều hành tiền tệ, giá cả thị trường.  Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai minh bạch. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Tin, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top