Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

17:49 - Thứ Năm, 29/12/2022 Lượt xem: 6421 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (29/12), Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Năm 2022 là năm tập trung cao cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách của Bộ Nội vụ. Do đó, đã có nhiều đổi mới, hoàn thiện theo hướng thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả; nâng cao hiệu lực, tổ chức thực thi pháp luật trên các lĩnh vực công tác của bộ, ngành Nội vụ. Trong năm, ở bộ, ngành trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương, giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục thuộc bộ. Ở địa phương, tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện.

Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Cả nước giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Riêng năm 2022, các bộ, ngành đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành; ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập. Công tác quản lý biên chế và tinh giản biên chế luôn bám sát theo yêu cầu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương. Giai đoạn 2020 - 2022, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 18.867 công chức và 125.104 viên chức. Công tác cải cách hành chính đã có chuyển biến rõ nét, cải cách thể chế được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả; tiếp tục cắt giảm mạnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được duy trì ổn định.

Năm 2023, ngành Nội vụ ưu tiên đầu tư toàn diện cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả về tổ chức bộ máy, biên chế; công vụ, công chức; xây dựng chính quyền địa phương, tập trung cho cấp xã, xây dựng chính quyền đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển và quản trị nền hành chính các cấp. Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, cơ bản hoàn thiện mô hình chế độ công vụ theo vị trí việc làm; thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; hoàn thiện tiêu chuẩn, chức danh ngạch công chức và tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đổi mới và nâng cao chất lượng thi tuyển, nâng ngạch công chức; thực hiện xét tuyển thi thăng hạng viên chức tiến tới xóa bỏ việc xếp hạng viên chức; quy định các chế độ, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tiếp tục tập trung rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách trên cơ sở đánh giá tác động để bảo đảm tính khả thi. Sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền chủ động cho chính quyền địa phương cấp tỉnh trong việc quyết định số lượng cụ thể biên chế cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách của cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính và trên cơ sở khung quy định của Chính phủ. Giao thẩm quyền cho chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định số lượng, chức danh và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và người tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố. Chú trọng công tác cải cách hành chính, tiết giảm chi phí xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và phát huy dân chủ trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp; đổi mới phương pháp, lề lối làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Tin, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top